GIẢI PHÁP NÀO CHO THU HÚT KHÁCH QUỐC TẾ TRỞ LẠI?

Thứ hai - 25/04/2022 20:16
GIẢI PHÁP NÀO CHO THU HÚT KHÁCH QUỐC TẾ TRỞ LẠI?

Kể từ ngày 15/03/2022, Việt Nam đã mở cửa toàn bộ du lịch đón khách quốc tế, tuy nhiên trong tình hình hiện tại với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa thể đạt được so với kì vọng. Song, các thị trường hàng đầu của Việt Nam là các nước Đông Bắc Á ( Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) vẫn đang vắng bóng. Chia sẻ về vấn đề này, vừa qua, PGS.TS. Phạm Hồng Long đã có cuộc phỏng vấn với Báo VnExpress với chủ đề “Những giải pháp hút khách quốc tế trở lại”.

Tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã đón được 15.000 khách quốc tế, con số này gần 10 lần so với tháng 2 khi trong giai đoạn thí điểm song chưa nhiều. Lí giải về nguyên nhân của dẫn đến, PGS.TS. Phạm Hồng Long cho biết: “Việc Việt Nam mở cửa vào ngày 15 tháng 3 vừa rồi là một chủ trương rất chủ động và quyết liệt của Nhà nước đối với việc phục hồi và phát triển du lịch nước nhà. Tuy nhiên, ở thời điểm này lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều do một số nguyên nhân chủ yếu: Trước hết, các thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam trước đại dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, Malaysia…đa số chưa mở cửa, một vài thị trường mở cửa rồi nhưng do tâm lý e ngại nên lượng khách du lịch đi nước ngoài nói chung và đến Việt Nam nói riêng chưa nhiều. Ngoài ra, có thể do nguyên nhân từ sự lạm phát giá cả toàn cầu do ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine, làm du khách phải giảm/thắt chặt mức chi tiêu và nhu cầu đi du lịch Việt Nam, đặc biệt là du khách đến từ Nga và các quốc gia Châu u. Thời điểm tháng 3 cũng là thời điểm cuối vụ của khách quốc tế đến Việt Nam (thông thường cao điểm của mùa vụ khách du lịch quốc tế là tháng 10 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau). Hơn thế nữa, các hãng lữ hành quốc tế thường đặt dịch vụ từ sớm (một vài tháng cho đến một năm), việc chúng ta mở cửa vào ngày 15 tháng 3 do vậy khó có thể đón được lượng khách quốc tế lớn ngay ở thời điểm mở cửa được”.

Song, những ảnh hưởng của việc khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chưa thể trở lại đến quá trình phục hồi ngành du lịch, Thầy đã có những chia sẻ thiết thực: “Trước đại dịch, năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó, tính chung cả thị trường khách Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam, đóng vai trò rất lớn đối với tổng số lượng khách và doanh thu của ngành Du lịch Việt Nam. Qua hai năm đại dịch, các thị trường này đều đóng cửa. Hiện nay mới chỉ có Hàn Quốc mở cửa trở lại với thị trường khách inbound và outbound. Do vậy, quá trình phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam chắc chắn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường khách này. Chỉ khi nào thị trường khách này mở cửa hoàn toàn trở lại, thì tốc độ phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam mới có thể nhanh chóng được. Còn không, tốc độ phục hồi sẽ bị chậm và Việt Nam sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế để tăng tốc độ phục hồi của ngành”.

Các nhà hàng treo biển nhiều thứ tiếng như Trung Quốc, Nga... ở đường Trần Phú, Nha Trang, đóng cửa, mặt bằng chưa được cho thuê lại, giữa tháng 4/2022. Ảnh: Đức Hiếu

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, sự thiếu vắng các nguồn khách này cũng đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam mà cụ thể là: “Rõ ràng đại dịch COVID-19 gây ra những những ảnh lớn đến cơ cấu thị trường khách của Việt Nam, trong đó có thị trường khách Đông Bắc Á. Nhưng đại dịch COVID-19 với sự thiếu hụt của dòng khách này, cũng cho chúng ta vừa là bài học vừa là cơ hội để cơ cấu lại thị trường khách bằng cách đa dạng hóa thị trường khách, tìm kiếm những thị trường khách mới, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường khách. Nhưng về lâu dài, khi đại dịch được khống chế, muốn hay không thì thị trường khách Đông Bắc Á vẫn là thị trường khách chính do khoảng cách về mặt địa lý, sự tương đồng về nhiều nét văn hóa và các cơ hội kinh doanh giữa Việt Nam và thị trường này. Sự thiếu hụt của thị trường khách quốc tế nói chung và thị trường khách này nói riêng, cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh phát triển thị trường khách nội địa – thị trường vốn chúng ta coi là mặc nhiên sẽ phát triển”.

Đánh giá các thị trường truyền thống là “không thể thiếu”, vậy giải pháp nào cho ngành du lịch Việt Nam để thu hút lượng khách ấy khi quốc gia họ mở cửa trở lại đang đặt ra một dấu hỏi lớn cần được giải đáp. Chia sẻ về câu hỏi lớn này, PGS. TS. Phạm Hồng Long đưa ra quan điểm: “Từ góc độ cung du lịch, với nhu cầu rất lớn của thị trường khách này, chúng ta vẫn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón tiếp thị trường khách này, đặc biệt là các điều kiện về nguồn nhân lực, cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…) ở điểm đến, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Sau hai năm đại dịch, các điều kiện này bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Nguồn nhân lực thiếu hụt, đòi hỏi bổ sung do nhân lực dừng việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp không quay lại, đặc biệt đối với thị trường tiếng hiếm như tiếng Nhật và tiếng Hàn; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp cần tu bổ, nâng cấp; chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch bị đứt gẫy phải chắp nối để vận hành thông suốt,…Tất cả những điều kiện này cần được phục hồi, làm mới thật tốt để đón tiếp du khách. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chủ động truyền thông mạnh mẽ về chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam – Trải nghiêm trọn vẹn (Live fully in Vietnam) tại các quốc gia này thông qua các cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, lãnh sự quán) và thông qua kết nối của các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch đối với thị trường khách này. Ở góc độ cầu du lịch, ngành Du lịch Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp du lịch có thể đánh giá lại nhu cầu đi du lịch, thời điểm mong muốn du lịch, và khả năng chi tiêu của thị trường khách này khi đến Việt Nam, từ đó có những kế hoạch chuẩn bị chi tiết và chu toàn”.

Nhìn vào Thái Lan, đất nước đón nhiều khách Trung Quốc nhất trong khu vực ASEAN (hơn 10 triệu lượt năm 2019), chúng ta có thể rút ra cho mình những bài học quan trọng: “Trước hết chúng ta phải học “tư duy định hướng du lịch” của người Thái. Du lịch là ngành dịch vụ số 1 ở Thái Lan và người Thái tập trung mọi chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch. Thứ nữa, chúng ta phải học cách người Thái “rút hầu bao” của du khách. Thái Lan thường có chính sách du lịch 3G (Get them in – Đón khách vào, Get their money – làm cho khách du lịch tiêu tiền, Get them out – tiễn khách về nước) rất thành công dù du khách đến từ bất thị trường nào. Người Thái không e ngại để làm các tour du lịch giá rẻ - tour 0 đồng (kể cả với thị trường khách Trung Quốc), mà họ rất giỏi trong việc làm cho du khách phải rút hầu bao để chi tiêu các sản phẩm và dịch vụ ngoài tour. Trong những năm gầy đây (trước đây đại dịch COVID-19), Thái Lan luôn nằm trong tốp 10 quốc gia đón khách du lịch hàng đầu thế giới, và tốp 4 quốc gia có thu nhập cao nhất từ du lịch. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan chỉ bằng một gần nửa (năm 2019 là 40 triệu) so với đến các quốc gia hàng đầu như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ (năm 2019 lần lượt là 89, 84, 79 triệu) nhưng chi tiêu ngày khách ở Thái Lan rất cao, thậm chí hơn nhiều so với các quốc gia trên để thấy người Thái làm du lịch tốt như nào. Để làm được điều này, thì người Thái xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm, dịch vụ bổ sung…) có tính kết nối hoàn hảo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên học sự nhạy bén và uyển chuyển của người Thái trong việc đưa ra các chiến dịch, chính sách tiên phong đón đầu xu hướng sản phẩm và tiêu dùng. Trước đây, họ nổi tiếng với chiến dịch “Bất ngờ Thái Lan” với 8 chủ đề - ATET (Amazing Thailand Eight Themes: Bất ngờ thiên đường mua sắm, Bất ngờ hương vị Thái Lan, Bất ngờ nghệ thuật đời sống, Bất ngờ thể thao và giải trí, Bất ngờ di sản thế giới, Bất ngờ di sản nông nghiệp, Bất ngờ cửa ra vào), hay “Mảnh đất của những nụ cười” (Land of smiles), hay “Bếp ăn của Thế giới (Kitchen of the world)…Thì gần đây, vào năm ngoái, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á mở cửa đón khách với chương trình “Hộp cát Phuket” (Phuket Sandbox)”.

Trong giai đoạn vừa đây, có thể thấy được khả quan khi Việt Nam sau khi mở cửa đã thu hút được thêm nhiều nguồn khách như Mông Cổ, Kazahktan…: “Việc có thêm các thị trường khách này là dấu hiệu cho thấy du lịch Việt Nam đã tạo được sự tin tưởng với nhiều thị trường khách quốc tế hơn. Các thị trường này giúp cho cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đa dạng hơn, và từ đó chúng ta cũng tránh bị lệ thuộc ít nhiều vào một vài thị trường. Tuy nhiên cũng cần phải xác định, nhưng thị trường khách như Mông Cổ, Kazahktan…vẫn là những thị trường khách nhỏ và trung bình, do dân số của các quốc gia này không lớn. Do vậy đây sẽ là những thị trường khách có tính bổ trợ, giúp chúng ta làm truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam tốt trong mắt bạn bè bốn phương, chứ không hẳn là những thị trường nguồn chính”.
 

Đoàn khách Mông Cổ đến Việt Nam ngày 7/4. Khách du lịch nước này và Kazakhstan... là dấu hiệu cho thấy du lịch Việt Nam đã tạo được sự tin tưởng với nhiều thị trường khách quốc tế hơn, song đây là thị trường khách nhỏ và trung bình. Ảnh: BestPrice

Bên cạnh những nguồn khách mới ấy thì dòng khách tới từ thị trường Đông Nam Á vẫn là dòng khách tiềm năng nhất mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút bởi: “khoảng cách về mặt địa lý, thuận tiện về giao thương, bên cạnh sự thông thoáng về mặt thủ tục xuất nhập cảnh (do họ được miễn thị thực). Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều là những quốc gia có dân số lớn và người ở những quốc gia này có nhu cầu đi du lịch ở các quốc gia lân cận như Việt Nam ngày càng gia tăng. Du khách từ Singapore và Campuchia vốn là những thị trường ổn định đến với Việt Nam khá nhiều và chúng ta sẽ ngày càng thu hút họ hơn. Làm tốt công tác tổ chức Seagames 31 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23 tháng 5 tới đây sẽ cơ hội quảng bá tuyệt vời của du lịch Việt Nam tới thị trường khách Đông Nam Á. Bên cạnh đó các thị trường khách lớn như Châu u (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan), Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác. Đối với thị trường khách này thì công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, những chính sách ưu tiên về thủ tục miễn thị thực vẫn là “chìa khóa” để họ lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam”.

Có thể thấy, thời gian qua song song với những tiềm năng trong thu hút khách quốc tế thì ngành du lịch Việt Nam cũng đã được chứng kiến sự sôi động của thị trường nội địa. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để tăng nhu cầu tiêu dùng hay thay đổi thói quen của họ (du lịch trong tuần, du lịch các mùa còn lại trong năm…). Theo chia sẻ từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhận định: “ Theo thống kê của McKinsey (https://www.mckinsey.com/featured-insights/asia-pacific/reimagining-tourism-how-vietnam-can-accelerate-travel-recovery) chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của một khách quốc tế năm 2019 là 673 đô la Mỹ, khách nội địa là 61 đô la Mỹ. Như vậy, một khách quốc tế chi tiêu gấp 10 lần so với khách nội địa. Điều này cũng có thể lí giải bằng việc khách quốc tế di chuyển quãng đường xa, tiêu dùng các dịch vụ cao cấp hơn. Điều này cũng lí giải tại sao chúng ta chú trọng thị trường khách nội địa. Nhưng đại dịch COVID-19 cũng cho chúng ta thấy, chúng ta phải tập trung vào thị trường nội địa. Để tăng nhu cầu tiêu dùng và thay đổi thói quen của du khách nội địa đòi hỏi các doanh nghiệp phải sáng tạo và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, và khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch. Các sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, sinh thái tự nhiên, đô thị phải được khoác lên mình những hình thức và nội dung mới, ví dụ du lịch sinh thái gắn với du lịch sức khỏe dưới hình thức “tắm rừng” nhằm giúp du khách có các trải nghiệm làm tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần; du lịch đô thị cần được tăng cường các trải nghiệm về đêm thông qua các chương trình thăm phố đêm, chợ đêm, biểu diễn nghệ thuật trong không gian đêm đô thị. Điều quan trọng, đối với các doanh nghiệp và địa phương khi xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm không nên dựa trên tư duy “suy diễn” là cứ có sản phẩm là thu hút khách du lịch…, mà phải có quá trình điều tra một cách cẩn trọng, trong đó kết hợp điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển sản phẩm ở cả góc độ cung và cầu”.

Với những chia sẻ hết sức quan trọng, hi vọng chúng ta sẽ có được cái nhìn khái quát, mới mẻ và đầy hi vọng về sự đánh dấu trở lại của ngành du lịch Việt Nam sau khoảng thời gian đóng băng dài do đại dịch toàn cầu.

Nguồn: https://bit.ly/3vJF6dg

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây