Từ ngày 11/02/2019 đến 15/02/2019, sinh viên Lê Thị Huyền Trang, lớp K60 Quản trị Khách sạn đã tham gia chương trình Diễn đàn Thủ lĩnh Sinh viên Đông Nam Á (ASEAN Student Leaders Forum - ASLF) lần thứ 7, được tổ chức tại trường Đại học Gadjah Mada, Yogyakarta, Indonesia.
Đối tượng tham gia chủ yếu của chương trình là các đại diện thủ lĩnh sinh viên, Hội sinh viên của các trường Đại học thành viên của Mạng lưới các trường Đại học trong khối ASEAN (ASEAN University Network - AUN). Được tổ chức hàng năm luân phiên giữa các quốc gia thành viên ASEAN, diễn đàn cho phép sinh viên chia sẻ kiến thức của bằng cách học hỏi lẫn nhau, tăng cường liên kết tập thể khu vực và phát triển sự gắn kết giữa các quốc gia ASEAN.
Năm 2019, ASLF tổ chức lần thứ 7 tại trường Đại học Gadjah Mada - trường Đại học lâu đời và lớn nhất ở Indonesia, với sự tham gia của 23 trường Đại học từ 9 quốc gia trong khối ASEAN. Đoàn sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia chương trình năm nay bao gồm 3 sinh viên đến từ trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, trường Đại học Ngoại ngữ, và Khoa Quốc tế.
Trong 5 ngày chương trình, các đại biểu sinh viên đã được tham gia các hoạt động thảo luận, chia sẻ kiến thức, trao đổi và khám phá văn hóa bổ ích. Với chủ đề của diễn đàn năm nay là “Vai trò của trường Đại học và Thủ lĩnh Sinh viên trong công cuộc chuẩn bị làm chủ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, những nội dung như liên quan như “ASEAN 4.0: Những cơ hội và thách thức”, “Tương lai của nghề nghiệp và những kĩ năng cần thiết trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu sinh viên đã mang đến Country Report nêu lên tình hình của quốc gia, những vấn đề đang đối mặt, cơ hội và thách thức trong thời đại 4.0, đề xuất những hành động mà trường Đại học và sinh viên có thể làm để chuẩn bị cho kỉ nguyên số thông qua Best Practices. Tiếng nói của các đại biểu sinh viên cũng được thể hiện thông qua hoạt động thảo luận nhóm, các đại biểu sinh viên từ 9 quốc gia được hợp lại, chia sẻ những vấn đề mà quốc gia mình đang gặp phải; từ đó hiểu được vấn đề của cá nhân, mở rộng cái nhìn ra khu vực, và cùng nhau đề xuất những giải pháp cho vấn đề chung.
Vào ngày cuối cùng của chương trình, các đại biểu sinh viên đã có cơ hội tham quan Borobudur Temple - một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, thăm làng Batik Giriloyo - làng nghề thủ công có truyền thống lâu đời làm batik - một sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn và màu sắc bắt mắt được coi là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của Indonesia.
“Ngay từ những ngày đầu là một sinh viên năm nhất tại Khoa Du lịch học, mình luôn được thầy cô động viên tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế để lấy thêm kinh nghiệm, những mối quan hệ, và cũng là một lần trưởng thành lên. Lần thứ 2 có cơ hội tham gia chương trình giao lưu quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên mình tự đi đến một đất nước hoàn toàn mới lạ với lịch trình mình tự lên. Hồi hộp có, lo lắng có, và phần nhiều là háo hức. Những kiến thức mà thầy cô dạy ở trường lần lượt được áp dụng, từ lên lịch trình, book vé, book phòng, chọn địa điểm ăn chơi, địa điểm khám phá,... Tinh thần “xách balo lên và đi” của một sinh viên du lịch thôi thúc mình có 2 ngày tuyệt vời khám phá thủ đô Jakarta và 4 ngày đáng nhớ của ASLF tại Yogyakarta. Thế mới thấy nghiệm đúng lời thầy cô nói, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cứ rèn luyện bản thân, chịu khó nắm bắt cơ hội để từng ngày trưởng thành hơn.” - sinh viên Lê Thị Huyền Trang chia sẻ thêm về chuyến đi vừa qua.
Tác giả: Lê Thị Huyền Trang - K60 QTKS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn