Hội thảo nâng cao khả năng phục hồi và du lịch ven biển ở Đông Nam Á (RESCOAST 19)

Thứ tư - 01/05/2019 18:18

Từ ngày 25-27/4/ 2019, tại trường Đại học Gadjah Mada, Yogyakarta, Indonesia diễn ra Hội thảo chuyên gia quốc tế về nâng cao khả năng phục hồi và du lịch ven biển ở Đông Nam Á (RESCOAST 19).

Quỹ Nghiên cứu các Thách thức toàn cầu (GCRF) của Đại học Kent, Vương quốc Anh phối hợp với chương trình liên kết STUPPA – Indonesia tổ chức Hội thảo với sự có mặt của hơn 30 đại biểu đến từ các quốc gia Anh, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để các đại diện đến từ khối doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học cùng ngồi lại với nhau nhằm xác định những khoảng thiếu hụt trong nghiên cứu của các quốc gia về khả năng phục hồi của du lịch ven biển để từ đó lập kế hoạch xây dựng các dự án nghiên cứu mới cũng như hoạch định chính sách hiệu quả hơn trong tương lai. Hội thảo được chủ trì bởi Giáo sư Mark Hampton – Đại học Kent, người có nhiều công trình nghiên cứu về du lịch ven biển Đông Nam Á. Tới dự và và có bài phát biểu chính tại hội thảo, gồm có, Giáo sư Wiendu Nuryanti, Giám đốc chương trình Tiến sĩ, Trưởng khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Tiến sĩ Ahmad Sarwadi, Đại học Gadjah Mada, Giáo sư Amran Hamzah, Giám đốc Khoa Quy hoạch & Phát triển sáng tạo, Đại học Teknologi, Malaysia... Tham gia vào hội thảo có hai đại diện của Việt Nam là TS. Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Vũ Chiến Thắng – Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Du lịch quốc tế phát triển mạnh mẽ ở các bãi biển, tạo ra nhiều việc làm và sinh kế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cộng đồng địa phương tại các khu du lịch biển ở Đông Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa xuất phát từ thiên tai và bởi chính con người như động đất, sóng thần, hạn hán, bão lụt, khủng bố, bất ổn chính trị,... Vì vậy, hội thảo đã được các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan hưởng ứng, tham dự và chia sẻ quan điểm, xác định các vấn đề thách thức và phương pháp ứng phó với những biến động ảnh hưởng tới du lịch ven biển. Các nội dung chính được đưa ra trong thảo luận nhóm bao gồm:

+ Nhu cầu mở rộng nhiều hơn nữa các nghiên cứu mới về khả năng phục hồi của du lịch ven biển gắn với các lĩnh vực như giảm nhẹ, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ của thảm họa.

+ Vấn đề về hoạch định chính sách nâng cao khả năng phục hồi của du lịch ven biển dựa trên sự tham gia của đội ngũ tình nguyện viên, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ, đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các cơ sở đào tạo, và đặc biệt là quan chức chính phủ.

+ Quản lý, theo dõi và đánh giá sức chứa của điểm đến dựa trên thực trạng điểm đến trong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường, xã hội... Như vậy, vấn đề sức chứa của điểm đến cần phải thường xuyên được nghiên cứu và cập nhật.

+ Bài học về việc cộng đồng đã chủ động ứng phó với thảm họa và các phương pháp phối hợp, quản trị tình huống, xây dựng quỹ tín thác và quỹ cộng đồng, nhằm sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp.

Từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, hội thảo đã xác định ra một số vấn đề cần thảo luận sâu hơn, trên cơ sở đó xây dựng các dự án triển khai lâu dài trong tương lai:

+ Làm thế nào để xây dựng một kế hoạch quản trị đa bên nhằm đảm bảo kiểm soát sức chứa và khả năng phục hồi hiệu quả.

+ Lên kế hoạch và các hoạt động ứng phó cho các giai đoạn trước, trong và sau thảm họa. Cần phải xác định vai trò của các bên liên quan bao gồm chính phủ, ngành Du lịch, và công đồng địa phương (trả lời câu hỏi Ai?) tham gia xây dựng các chương trình về môi trường, xã hội, kỹ thuật (trả lời câu hỏi Làm gì?) từ trước thảm họa, trong thảm họa và sau thảm họa (trả lời câu hỏi Khi nào? và Ở đâu?) với phương pháp tiếp cận quy hoạch vùng (spatial planning).

+ Làm thế nào để trao truyền kiến thức bản địa cho các thế hệ tiếp theo về những điển hình tốt trong chuẩn bị ứng phó với thảm họa và xây dựng phương pháp tiếp cận tốt nhất, đồng thời giáo dục cho học sinh và cộng đồng về du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày về lĩnh vực chuyên môn và các chủ đề nghiên cứu có liên quan nhằm mở rộng mối quan hệ và kêu gọi xây dựng quỹ hỗ trợ cho các dự án trong tương lai

Trong thời gian hội thảo, các đại biểu cũng đã đi tham quan thực địa điểm sơ tán và tạm trú trong thảm họa sóng thần ở vùng biển phía Nam Indonesia.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động tại hội thảo:

 

Tác giả: Bài viết: Chiến Thắng - Hồng Long | Ảnh: Ban Tổ chức, Hồng Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay61
  • Tháng hiện tại42,802
  • Tổng lượt truy cập1,292,147
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây