Cô gái Tày đưa xóm làng xa xôi lên bản đồ du lịch

Thứ hai - 10/04/2023 21:22
Nhắc đến Yên Bái, khách du lịch thường nghĩ ngay tới mùa vàng Mù Cang Chải, những nương nếp thơm của Tú Lệ, “sống khủng long” của Tà Xùa, đèo Khau Phạ hùng vĩ hay hồ Thác Bà mênh mông... Ít ai biết đến một hòn ngọc ẩn của vùng đất cửa ngõ núi rừng Tây Bắc này là xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 80 km, cách Hà Nội hơn 250 km.
Hoàng Thị Xới, cô chủ nhỏ của Xới Farmstay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoàng Thị Xới, cô chủ nhỏ của Xới Farmstay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

     Bức tranh về thung lũng Lâm Thượng vẽ nên một nơi có núi đồi, rừng xanh bạt ngàn, suối thác trong veo, đồng ruộng bao la quanh những bản làng của người Tày.
     Michael, một người Mỹ sống ở TPHCM bảy năm cùng vợ, dành trọn vẹn một tháng ở Lâm Thượng đầu năm nay. Chiều đầu tiên dạo bộ quanh bản làng của người Tày, Michael khoe: “Ngôi làng này thật tuyệt vời, tôi vừa đi ra cánh đồng sau nhà, gặp một người đàn ông, tên là Thận, ông ấy bảo biết nhà Xới. Ông ấy rủ tôi vào nhà rồi mời uống rượu, chúng tôi đã hẹn nhau mai lại lên uống tiếp”. 
     Michael chỉ là một trong những vị khách Tây của bàn làng người Tày lui tới Lâm Thượng vài năm nay. Và họ hẳn sẽ còn rất lâu mới biết đến thung lũng bình yên này nếu không nhờ một cô gái người Tày - Hoàng Thị Xới, cô chủ nhỏ của Xới Farmstay giữa bản Tông Pắng. 
     Hoàng Thị Xới theo học ngành du lịch tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ra trường, cô gái 9X này đi làm cho một công ty du lịch chuyên thị trường inbound, đưa khách đến những bản làng xa xôi của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Công việc đầu tiên ấy khơi dậy cho cô gái người Tày ý tưởng về chuyện làm du lịch ngay tại quê nhà.
Bỏ phố về bản
     Ấp ủ giấc mơ đưa khách Tây đến Lâm Thượng, Xới bỏ phố về bản lập nghiệp. Cô quyết định mở farmstay ngay tại ngôi nhà sàn gia đình đang ở. Ban đầu, cả gia đình cũng bất ngờ về ý tưởng của cô, bởi Lâm Thượng vốn không có tên trên bản đồ du lịch lẫn đường sá xa xôi, bản làng cách trở.
     “Khi mình bắt đầu, mọi người khá hoài nghi vì nghĩ ở trên này có gì đâu mà làm du lịch, toàn đồi núi đồng ruộng” - Xới nhớ lại những ngày đầu. Cô trấn an cha mẹ rằng nhà cửa sửa sang cũng đẹp hơn, không mất gì, “ế quá không có khách thì nhà mình dùng”.

Khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

     Với vẻn vẹn khoảng 50 triệu đồng vốn, Xới cải tạo căn nhà sàn, từng bước một chăm chú. Bố mẹ giúp giám sát thợ sửa nhà, Xới xây dựng kế hoạch marketing, quảng bá, lên ý tưởng decor... Năm 2017, Xới Farmstay chính thức ra đời.
     Thế nhưng hành trình đưa khách Tây lên bản không hề có lối tắt. Vạn sự khởi đầu nan, tháng đầu tiên mở farmstay Xới chỉ đón một khách duy nhất. Cô không nản, vì biết con đường mình đi phải chậm mà chắc.
     “Mình đi từng bước một, không đầu tư ồ ạt vì nơi đây hầu như không ai biết đến. Người ta chẳng có ý niệm gì về du lịch Lâm Thượng” - Xới bày tỏ. “Mình xác định điểm này nằm trên tuyến du lịch. Khách đi theo tuyến điểm và cần những điểm dừng chân giữa đường”. 
     Lâm Thượng nằm trên tuyến du lịch giữa Hà Giang và Sa Pa, do đó có thể phục vụ dòng khách giữa hai điểm cần ghé vào đâu đó nghỉ ngơi. Ban đầu, Xới tập trung quảng bá cho khách nước ngoài, dần dần mới đến khách Việt.
     Từ một khách tháng đầu, Xới dần dần có đến hai, ba khách từ những tháng sau. Đến nay, farmstay của nhà túc tắc đón khách quanh năm. Tháng đông, cả nhà đón khoảng 40 - 50 khách cả tháng, vắng thì 20 khách - nhưng có khách ở lại một tuần, nửa tháng. Khách ở lâu tính ra doanh thu cũng bằng một đoàn đông lưu trú ít ngày. 
     Cả nhà Xới có thêm một nguồn thu nhập. Bố mẹ cô đã quen, có thể tự đón khách khi con gái không ở nhà. Em dâu phụ giúp nấu ăn, dọn dẹp phòng. Từ một căn nhà sàn cho khách ở tập thể cùng gia đình, farmstay mở thêm vài căn nhà sàn gỗ nhỏ khác.
     “Vốn quý giá nhất của mình là gia đình. Mình làm tại nhà có sẵn, bố mẹ hỗ trợ rất nhiều. Với mô hình homestay hoặc farmstay, gia đình là yếu tố cốt lõi”, Xới nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình. 
      Đưa xóm làng lên bản đồ du lịch
      Trước đây, người dân ở Tông Pắng chưa bao giờ nghĩ có ngày khách Tây đều đặn ghé bản làng xa xôi này. Nhưng đến nay họ dần quen với những vị khách từ khắp nơi trên thế giới. Khách Tây đi dạo, đạp xe trong bản, tắm suối, cuốc đất trong vườn, chèo bè tre dưới sông suối hay thích thú nghe kể về những câu chuyện thường ngày, thử mặc trang phục người Tày...
      Sau hơn sáu năm đón khách Tây, bản Tông Pắng - dù không phải vùng khó khăn - cũng không giàu lên nhờ du lịch. Nhưng cuộc sống của người dân lại giàu có hơn rất nhiều về những giá trị tinh thần.
      “Người ta cứ nghĩ giàu có nghĩa là phải thật nhiều tiền, mình lại cho rằng người giàu là người có nhiều thứ để trao tặng người khác. Đó có thể là bát cơm nóng, chén trà thơm, là thời gian lắng nghe thấu hiểu, cho đi những nụ cười, trao nhau lời chào ấm áp. Quan trọng nhất vẫn là tâm thái cho đi của người ta như thế nào” - Xới tâm sự.
      “Mình thấy người dân bản trên mình không giàu cũng chẳng nghèo, cuộc sống hài hòa, vừa đủ. Họ chăm chỉ lao động nhưng cũng rất biết hưởng thụ cuộc sống. Mình vẫn hay nói với khách, nếu có một từ miêu tả lối sống ở đây thì chính là sự hài hòa, đó cũng là văn hóa và lý niệm truyền thống từ xa xưa của người Á Đông, người Tày chúng tôi ở đây cũng không ngoại lệ”.
     Theo cô, từ khi có sự hiện diện khách nước ngoài, người địa phương bắt đầu ý thức về giá trị văn hóa, cảnh quan quê hương mình. “Trước người làng nghĩ ở đây có gì đâu mà khách đến, toàn đồng ruộng, núi đồi... Khi khách Tây đến, mọi người mới thấy hóa ra quê mình cũng đẹp, ý thức đến những giá trị văn hóa truyền thống như nếp nhà sàn mái cọ, trang phục truyền thống, cuộc sống hàng ngày” - Xới kể.
      Đơn giản như bộ trang phục của người Tày, trước đây phụ nữ Tày nghĩ quần áo truyền thống không đẹp, chỉ mặc áo khoác đen... Nhưng khi thấy khách Tây thích thú mặc thử, tìm hiểu, chụp ảnh... bà con nhận ra vẻ đẹp của trang phục dân tộc mình. Các bà, các mẹ trong bản mặc quần áo người Tày hàng ngày. “Du lịch bắt đầu từ những cái rất gần gũi, bản địa như thế, không có gì quá xa vời” - Xới nhận định.
     Từ một farmstay duy nhất trong bản Tông Pắng của nhà Xới, thung lũng Lâm Thượng nay có thêm ba gia đình mở homestay. Xới tư vấn họ cách thiết kế, bài trí phòng... Dịp đông khách như 30.4 sắp tới, cô giới thiệu thêm khách sang những homestay còn lại.
      “Ở đây không có cạnh tranh, mọi người cùng làm, hỗ trợ nhau. Không ai sợ làm mất khách của nhau, vì bên cạnh du lịch mọi người vẫn làm nông, không quá áp lực về tiền bạc” - cô nói. “Homesay ở đây chính là nơi các gia đình sống, có khách thì đón không vẫn là nhà riêng. Tâm lý mọi người cũng nhẹ nhàng, cởi mở hơn”. 
      Dù vậy, Xới cho rằng đó mới thực sự là tinh thần của homestay - khi khách đến ở được trò chuyện, sống cùng gia chủ. Đó cũng là lý do cô chọn phát triển du lịch chậm (slow travel), cho khách vừa đi vừa trải nghiệm, cảm nhận cuộc sống bản địa từ từ.
      Vì lẽ đó, Lâm Thượng, một thung lũng có “điểm trừ” với nhiều khách du lịch vì giao thông không quá thuận tiện, lại có lợi thế để tránh tình trạng phát triển du lịch quá nhanh, quá nóng. “Slow travel cho khách đi chậm để trải nghiệm. Bản thân mình tận hưởng từng ngày, khách đến cũng rất thích” - cô bày tỏ. 
      “Massive tourism (du lịch đại chúng) sẽ phá hủy môi trường nhanh chóng, trải nghiệm không còn hướng về thiên nhiên nữa. Một khi làm ăn xổi, phát triển nóng, đón quá đông khách, văn hóa của vùng sẽ thay đổi rất nhanh. Mình cảm thấy ổn với con đường này, đi chậm, làm từng cái một” - Xới nói.

Nguồn tin: Cô gái Tày đưa xóm làng xa xôi lên bản đồ du lịch - Báo Lao động <https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-gai-tay-dua-xom-lang-xa-xoi-len-ban-do-du-lich-1171187.ldo?fbclid=IwAR3gr_p4Ik-7o7KDRSia8oW0z7ez22gGP8UUqkeLnzqdDoJqpbMnEy0XB9Q> >

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây