GS. Trần Quốc Vượng với sứ mệnh khai mở đào tạo du lịch ở bậc đại học

Thứ năm - 12/11/2015 13:05
  1. Dẫn nhập

Thế giới hiện đại biến đổi và phát triển không ngừng, kèm với đó là quá trình hoàn thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy con người kiếm tìm và nâng cao các hình thức giải trí hay khám phá, coi đó là một hoạt động tái tạo sức lao động cũng như ổn định tinh thần. Con người có tâm lý Buông xả (Relaxation), tâm lý Chuộng lạ (Exotique), thích tìm hiểu, học hỏi cái mới. Du lịch, với tư cách là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp,không chỉ đáp ứng được những mong muốn đó mà còn giúp con người thêm gắn bó với tự nhiên (qua Du lịch sinh thái), giao cảm hơn với văn hóa (qua Du lịch văn hóa), biến bản thân hoạt động này thành một nhu cầu cần có trong đời sống văn hóa xã hội.  

Ở Việt Nam, việc chuyển đổi diện mạo của nền kinh tế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động cũng đồng thời mở ra một cánh cửa mới cho hoạt động du lịch khi đất nước chấp nhận, tích cực tham gia, phát triển những hướng đi “mở”. Chính vì lẽ đó, Khoa học Du lịch ra đời như một phương thức học thuật nhằm chuẩn bị cho sinh viên – nguồn lao động chất lượng cao tương lai, một tâm thế vững vàng và tự tin để đối diện với môi trường kinh tế-xã hội mới, đồng thời cung cấp cho họ nền tảng chắc chắn về kiến ​​thức chuyên biệt của ngành. Bên cạnh đó, Du lịch học cho phép những người có quan tâm mạnh mẽ đến lĩnh vực này cơ hội để theo đuổi các nghiên cứu xa hơn, góp phần vào việc chuẩn hóa, quốc tế hóa các lý thuyết về Du lịch nhằm phục vụ các hoạt động ngoài thực tiễn. GS. Trần Quốc Vượng đã sớm nhận ra những giá trị nêu trên; và với phong cách luôn tìm tòi, khai mở những hướng đi mới, ông đã có mặt và đồng hành từ những ngày đầu tiên của Khoa Du lịch học – ngành khoa học ứng dụng đầysáng tạo trong môi trường đại học đào tạo khoa học xã hội lớn nhất cả nước: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.  

  1. Từ quan niệm …

Quan niệm phương Tây về du lịch trên phương diện ngữ nghĩa chủ yếu xoay quanh hai từ là Tourism (Du lịch) và Tourist (Du khách). Học giả William. F. Theobald trong Global Tourism (1998) cho rằng chữ Tour có nguồn gốc từ tiếng Latin tornarevà/hoặc tiếng Hy Lạp tornos để chỉ một vòng tròn, một chuyển động khép kín xung quanh một tâm điểm hay một hệ trục. Tiếp vĩ ngữ -ism là một hành động, quá trình, dạng thức ứng xử/hành vi đặc trưng hoặc một thành tố chỉ chất lượng; tiếp vĩ ngữ -ist nhằm chỉ người thực hiện các hành động đó. Khi kết hợp các yếu tố ngôn ngữ này, ta có một cách hiểu đơn giản rằng Du lịch là hành động di chuyển thành một vòng khép kín, ra đi từ một điểm và kết thúc hành trình bằng cách quay lại điểm đó. Du khách, chính là người thực hiện hành động này.

            Quan niệm đương đại lại chia cách hiểu về Du lịch thành nhiều hướng. Trường phái Pháp của A. Houlot (1961) coi từTour có nguồn gốc từ ngôn ngữ Aramaic, một hệ ngôn ngữ thuộc họ Phi Á có lịch sử 3000 năm, bao gồm cả tiếng Do Thái. Theo đó từ Tur chỉ sự thám hiểm, khai phá và di chuyển của loài người, được nhắc tới lần đầu khi Kinh Thánh miêu tả việc Moses đi tới vùng đất cổ Canaan (ngày nay thuộc Tây Á). Một quan điểm khác cho rằng, chữTour có nguồn gốc Anglo-Saxon từ Torn, được dùng từ thế kỷ XII để chỉ một chuyến đi chắc chắn quay trở lại. Theo thời gian, từ này dùng để chỉ những chuyến khám phá với mục đích là tìm hiểu về văn hóa, văn minh, tích lũy thêm tri thức và dùng đó để cai trị (M.Korstanje, 2007).

            Không phủ nhận các cách giải thích của phương Tây, GS. Trần Quốc Vượng có một góc nhìn có phần Đông phương hơn đối với khái niệm Du lịch. Ông cho rằng Du lịch là một từ Hán-Việt, có nguồn gốc Hoa – Hán. Tra cứu Hán tự tố nguyên (Lý Lạc Nghị và Jim Waters, 1997): Chữ Du viết là 遊, sau thêm bộ Thủy 氵 hay bộ Tẩu 辶 mang hàm ý chuyển động như nước chảy, chân đi. Ta tạm dịch là Chơi, Đi chơi, Rong chơi. Chữ Lịch viết là 歷, có thể dịch là Trải qua, Trải nghiệm, như lịch sử (tức thời đã qua).Vậy, trong cách nhìn của mình, ông tổng kết Du lịch nhìn chung là Đi chơi và Trải nghiệm.   

Vốn được coi là một cánh chim chao trời của giới Sử học Việt Nam, GS. Trần Quốc Vượng có cách nhìn rất “Khảo cổ” khi nhìn nhận khái niệm Du lịch. Ông cho rằng con người biết đi từ thời tiền sử khi đã đứng được trên hai chân. Lúc đầu là Đi để kiếm ăn, sau là đi công chuyện, đi chơi hoặc vừa đi chơi vừa tiện thể đi công chuyện. Tư thế đứng thẳng, tuyệt vời thay, cho phép con người làm hai việc cùng một lúc: Đi – dịch chuyển và Nhìn – tầm mắt được mở rộng hơn ra chung quanh do tầm cao được nâng lên. Với một phương thức di chuyển linh hoạt kèm theo nhu cầu “nhìn xa trông rộng” khiến con/loài người ngày càng phân cư rộng khắp trên thế giới. Sự hành lữ (travel) ở thời điểm đó nhằm khai thác những vùng đất mới chứ không chỉ đơn thuần thỏa mãn chuyện tò mò.

Ngày nay, giữa loài người với nhau lại có những cái “Khác” quy định bởi tính dị biệt của lối thích nghi/thích ứng và cộng sinh cộng triển với các môi trường cảnh quan và xã hội. Chính những cái khác nhau đó thúc đẩy con người hôm nay thích đi tới những nơi khác với miền “đồng quê thân quen” của mình. Giờ đây, chúng ta đi là để tìm hiểu những lối sống trong các môi sinh khác nhau và nhất là khác cái ta thường/đã sống, cũng như là một cách giải phép biện chứng giữa hai nét tâm lý: Thích thân quen và Chuộng lạ.

Với kỹ thuật và thể chế hiện đại, lữ hành theo đó ngày càng xa, càng dài, thời gian được rút ngắn, cái cần xem trên Trái Đất này cũng vì thế càng nhiều thêm. Việc tham quan (Touring) trở nên hết sức đại chúng và do đó, du lịch (Tourism) cũng đã tự trở nên một bộ phận cơ hữu của đời sống và lối sống hiện đại.

GS. Trần Quốc Vượng cùng các cán bộ Khoa Du lịch trong chuyến khảo sát Trung Quốc 

  1. Đến đào tạo …

Trở lại thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước,khi đất nước chập chững những bước đi đầu tiên với nền kinh tế theo định hướng mới, việc đào tạo Du lịch ở bậc Đại học và Sau Đại học, theo GS. Trần Quốc Vượng, là một câu chuyện mới ở dải đất hình chữ S. Khi đề cập đến ý này, ý ông là câu chuyện Du lịch lúc đấy còn thơm mùi mực mới, trang giấy chắc vẫn còn vương chút hơi nóng khi mới rời khỏi nhà in, còn không rõ liệu có ố vàng theo thời gian, keo vào bìa có thiếu thừa cũng như chỉ khâu sách có sờn rách. Nói một cách hình tượng như vậy chính là để thấy trọng trách của Khoa Du lịch học vào thời điểm ấy là nặng nề. Được trao nhiệm vụ Trưởng ngành rồi Chủ tịch Hội đồng Đào tạo và Khoa học đầu tiên của Khoa, ông có định hướng thành lập bốn bộ môn là Lữ hành – Khách sạn, Kinh tế du lịch, Du lịch sinh thái và Văn hóa Du lịch. Giai đoạn đó (năm 1995), Khoa Du lịch học là cở sở duy nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo và cấp bằng Cử nhân Khoa học Du lịch chính quy. Sau một thời gian chứng mình được năng lực của mình mà trong đó, công sức vận động của GS. Trần Quốc Vượng là không nhỏ, Khoa tiếp tục được giao trọng trách đào tạo hệ Sau Đại học chuyên ngành Du lịch với khóa đầu tiên khai giảng năm 2003.

Tiếp thu và hiểu rõ định hướng du lịch của Nhà nước ta là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, Ông rất chú trọng vào việc xây dựng chương trình giảng dạy của Khoa Du lịch học. Theo ông, đó phải là một khối kiến thức tổng hợp nhằm chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng trước khi được tuyển dụng, cung cấp những kinh nghiệm du lịch đầu tay bao gồm cách thức duy trì các mối quan hệ kinh doanh (ứng xử văn hóa trong du lịch) và các lĩnh vực khác nhau của ngành, bao gồm cả vận chuyển, lưu trú, ăn uống, giải trí và nhiều phương diện khác.

Các khía cạnh văn hóa - xã hội của ngành được ông đặc biệt chú trọng khi ông kiên trì cho rằng văn hóa và du lịch là hai yếu tố có tính chất tương hỗ, không thể tách rời. Thế mạnh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nơi có Khoa Du lịch học tồn tại và phát triển như một cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành – là văn hóa. Đây chính là một trong những định hướng quan trọng của ông trong những bước đi đầu tiên của Khoa.Các Tri thức được “văn hóa hóa” với những lý luận và thực tiễn về nền ẩm thực Việt Nam, ứng xử với thiên nhiên và xã hội, văn hóa trang phục, văn hóa ngôn từ, văn hóa đi lại, phong tục, tập quán, lễ hội giúp sinh viên phát triển ý thức trách nhiệm về đạo đức làm nghề và một cách hiểu về du lịch lành mạnh, toàn diện. Hướng dẫn viên du lịch khi nhận được tấm thẻ hành nghề sẽ phải là một con người yêu nghề, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa của dân tộc cũng như của điểm đến, có thể chuyển tải những giá trị này đến với du khách, giúp du khách nước ngoài có thể hòa âm vào nhạc điệu Việt Nam cũng như giúp du khách Việt Nam có thể tận hưởng trọn vẹn những trải nghiệm khi được dừng chân ở những miền đất lạ. 

Là người tiên phong trong việc ứng dụng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu khoa học xã hội, ông cũng cho rằng Khoa học Du lịch không phải là ngoại lệ khi ngành này có mối liên hệ đến nhiềungành học khác. Tính chất đa ngành này sẽ bổ sung cho việc học tập của sinh viên. Ví dụ, nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững đòi hỏi hiểu biết về sinh học, môi trường và trách nhiệm xã hội.Ông cũng cho rằng sinh viên du lịch phải có ý thức học tập một ngôn ngữ thứ hai, thậm chí thứ ba, trong đó có Hán Nôm du lịch khi mà hầu hết các di sản văn hóa vật thể của Việt Nam ngày trước đều có khắc ghi và sử dụng.Sự nhắc nhở này vừa là một hồi trống thúc giục các thế hệ đi tiếp hiểu tầm quan trọng và nỗ lực trong việc học ngoại ngữ, cũng đồng thời là tiếng chuông dóng dả về công tác gìn giữ các giá trị truyền thống và áp dụng những tri thức đó vào công tác du lịch hiện đại.

GS Trần Quốc Vượng tiễn sinh viên Khoa Du lịch Khóa 40 ra trường

  1. Và công tác giảng dạy

Đích đến đối với sinh viên là vậy, nhưng để đạt được những mục tiêu đó, vai trò của người thầykhông hề đơn giản, nhất là ở giai đoạn có phần “loay hoay” và “bỡ ngỡ” của thuở ban đầu khi bản thân các giảng viên đầu tiên của Khoa cũng chưa được đào tạo một cách chuyên biệt về Du lịch học. Sự phấn đấu của các giảng viên Khoa Du lịch học là không ngừng nghỉ để xây dựng nền tảng, cập nhật các xu hướng, chuyển biến, thay đổi của hoạt động du lịch, đưa thông tin đó vào bải giảng nhằm chuẩn bị những bước đà vững chắc nhất cho những con “linh dương” đầy nhiệt huyết của Khoa có thể dậm nhảy những bước khỏe khoắn, tự tin tiến vào môi trường làm Du lịch chuyên nghiệp. Là một giáo sư có uy tín về học thuật không chỉ ở trong nước, ông đã hăng hái cùng đội ngũ cán bộ Khoa đi trao đổi, nghiên cứu, gắng sức xúc tiến thiết lập các mối quan hệ với các trường Đại học trong khu vực cũng như ở châu Âu có mở chương trình giảng dạy chuyên ngành Du lịch. Ông tâm niệm rằng điều nàygiúp ích cho giảng viên; nhưng cũng chính là sự mở đường cho sinh viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế trong môi trường quốc tế thông qua các chương trình thực tập, trao đổi, cũng đồng thời đặt vào tay sinh viên tấm vé cho một hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức mới.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng cán bộ giảng dạy ngành Du lịch phải không ngừng học tập và phải thông thạo về địa lý thế giới, địa lý Đông Nam Á, nhất là địa lý Việt Nam trong mối liên hệ với các tri thức về môi trường và các hệ sinh thái. Ông tâm niệm, xét ở Việt Nam nói riêng, do sinh cảnh môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái đa dạngđã hình thành nên một tâm thức Việt Nam thích sống hòa hợp với môi trường tự nhiên. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa thường gắn liền với danh lam thắng cảnh cho nên khi du khách đi tham quan thắng cảnh thiên nhiên cũng là đồng thời tham quan các di tích, di sản văn hóa – lịch sử. Đây là điều GS. Trần Quốc Vượng đặc biệt nhấn mạnh khi đề cập tới việc giảng dạy văn hóa du lịch cho sinh viên. Ở trong ngữ cảnh này, văn hóa du lịch được ông phân tách rõ ràng với du lịch văn hóa. Theo đó, văn hóa du lịch phải là thế ứng xử của con người với con người trong các quan hệ có nghĩa vụ và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch (bao gồm du khách, cộng đồng địa phương, các công ty du lịch, các cấp quản lý du lịch…). Sau khi đã Du (đi chơi) thì bao nhiêu chất “thanh lịch”, “lịch sự” có cùng mẫu số chung là “lịch” (trải nghiệm, hiểu Đời, hiểu Người) thuộc về phần trách nhiệm của người làm du lịch Việt Nam nói chung và của tập thể giảng viên Khoa Du lịch học nói riêng khi đào tạo sinh viên. Đó vừa là tri thức, vừa là lương tâm và đạo đức của người làm nghề khi tự thân họ hiểu được giá trị của lòng hiếu khách, bản chất năng động, linh hoạt của ngành Du lịch cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm gắn kèm.

Dạy Du lịch là để giới thiệu về cái Hay, cái Đẹp, cái Lạ, cái Đặc trưng nhưng theo ông, người giảng viên cũng phải chuẩn bị cho học trò của mình tri thức về những tác động có phần tiêu cực đến môi trường địa phương của điểm đến. Nhờ vậy những du khách được họ hướng dẫn cũng như các cư dân địa phương có được nhận thức về việc làm thế nào để bảo tồn, giữ gìn cũng như phát huy hơn nữa các giá trị tự nhiên, nhân văn được ban tặng, chủ động làm suy giảm, xóa bỏ các hoạt động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến diện mạo hoặc nội dung của các tài nguyên du lịch. Có làm được điều này thì tính bền vững của kinh tế nói chung và du lịch nói riêng mới được bảo đảm.  

Để minh chứng cho những tâm niệm trên, với vai trò là người đứng đầu ngành đào tạo Du lịch non trẻ, ông trực tiếp lên lớp giảng dạy, truyền đạt không mệt mỏi những kiến thức tích lũy bao năm của mình cho những khóa đầu tiên của Khoa – những sinh viên vô cùng may mắn khi được nghe ông giảng về du lịch văn hóa bằng phong cách “không giống ai, cũng chẳng ai có thể giống” của mình, bằng kinh nghiệm của những dặm dài đất nước, những quãng đường trải khắp bốn phương

  1. Tạm kết

GS Trần Quốc Vượng đã từng nói về mình trong một bài tự bạch rằng ông sinh ra với mệnh trời đã định là Sơn Đầu Hỏa (lửa đầu non). Ban ngày khi rong ruổi, thấy ánh lửa cùng khói cuộn lên ở trên núi, người lữ khách bỗng thấy ấm lòng khi biết xa kia có mái nhà ấm áp. Buổi đêm, ánh lửa lập lòe nơi non cao như điểm sáng chói lòa rọi vào lòng người đi đang không biết phương nào là điểm đến, chốn nào là điểm dừng chân, giúp họ có thể thở hắt ra một hơi khoan khoái mà ngập tràn niềm tin. Bằng tư chất dẫn đường trong khoa học, ông hớp hồn người nghe bằng ánh sáng của trí tuệ bởi cách nói, cách viết, cách diễn đạt, giảng dạy và khai mở những chuyên ngành mới trong đó có khoa học du lịch.

Một thập thiên can đã trôi qua kể từ ngày đại bàng rủ cánh không còn bay, nhưng đối với lớp lớp các thế hệ đồng nghiệp và họctrò của ông nói chung, của khoa Du lịch học nói riêng, hình tượng ông vẫn vững vàng như cây thần Yggdrasil trong thần thoại Bắc Âu nối liền chín thế giới trong vũ trụ. Văn hóa học, Cổ sử, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Khảo cổ, Du lịch học… cũng giống như những thế giới đó. Học trò, đồng nghiệp, bạn tâm giao, bạn xã hội, người thân với muôn vàn cá tính và phẩm cách cũng giống như những thế giới đó. Những sự vật hiện tượng, những cá thể tưởng chừng như tách biệt đó lại cùng tồn tại xung quanh sự nâng đỡ của một thân cây vững chãi, nương nhờ bóng mát của tán rộng vươn dài. Tất cả đều thấy ở ông một điểm tựa lớn lao, một sức kết nối vô hạn, mạnh mẽ, kiên quyết, sáng tạo mà vẫn đầy bao dung, sâu sắc, hiền hậu. 

 

Tác giả: ThS. Phan Quang Anh, PGS.TS Trần Thúy Anh

Nguồn bài viết: Website trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đường dẫn: http://ussh.vnu.edu.vn 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây