Cố PGS.TS. Đinh Trung Kiên - Người Thầy lớn của tôi

Thứ tư - 11/11/2015 11:04

Tôi có hai người Thầy lớn nhất trong đời. Nay cả hai người đều đã bỏ tôi về với đất...Người Thầy đầu tiên là Bố, người đã gieo mầm yêu thích sự mạo hiểm, yêu thích khám phá những miền đất rừng núi xa xôi. Bố tôi là một người lính - lính biên phòng: lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiệm vụ chính của bố là làm công tác giảng dạy cho sĩ quan quân đội. Người Thầy thứ hai là cố Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trung Kiên - nguyên Chủ nhiệm Khoa Du lịch học - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN. Thầy là người thứ hai đã gọi tên cho mơ ước đi đến những miền xa xôi đó của tôi - cái tên thiêng liêng "Lữ hành". Và hơn thế, Người đã thúc đẩy niềm đam mê theo du lịch trong tôi ngay từ buổi đầu tiên tiếp xúc với Thầy trong ngày "Đón tiếp tân sinh viên vào trường". Kể từ phút đầu tiên gặp Thầy, Người đã khiến tôi khẳng định:"Mình đã chọn đúng trường, đúng ngành, đúng nghề và đúng Thầy rồi".

PGS.TS. Đinh Trung Kiên cùng cán bộ Khoa Du lịch học trong chuyến đi thực tế tại Sapa năm 2003

Hình ảnh của Thầy ngay lập tức khiến tôi nhìn thấy Bố trong đó. Cũng dáng di chuyển nhanh nhẹn mạnh mẽ, tiếng nói dứt khoát rõ ràng và mang sức nặng trong từng câu chữ. Cũng tác phong quân đội, ánh nhìn dữ dội nhưng chứa chan tình yêu thương. Cũng cái quắc mắt nghiêm khắc giận dữ khi con mắc lỗi, cũng cái nheo mắt cười hiền từ và độ lượng khi nhìn đàn con thơ dại... Từng câu từng chữ, từng lời nhấn nhá lên bổng xuống trầm hớp hồn người nghe của Thầy sao giống Bố đến thế! Hay là những người lính đều như vậy nhỉ?

 

Bố và Thầy có rất nhiều điểm giống nhau: cũng là người lính, cũng là người Thầy, cũng bản tính nóng nảy và quyết liệt, cũng tâm hồn đầy chất văn và chất thơ, cũng chan chứa tình yêu, cũng nghiêm khắc dạy dỗ không khoan nhượng, cũng động viên khuyến khích và nâng đỡ từng bước đi, từng lời nói, từng cử chỉ... Có lẽ rất hiếm người có được may mắn kì diệu như tôi: ai có được cho mình hai người Bố như thế? Hai người Thầy như thế? Mà mỗi người lại nâng đỡ cho từng bước đường tôi đi từ bé cho đến khi đủ trưởng thành thì họ mới dừng chân ngơi nghỉ - về với đất...

 

Cả hai con người đó đều khao khát sống đến tận giây cuối cùng. Họ cùng nghị lực muốn lưu lại với hậu thế hình ảnh một con người mạnh mẽ, lạc quan. Họ cùng phải ra đi khi còn mang trong mình nhiệt huyết chiến đấu và cống hiến. Họ cùng để lại trong trái tim tôi hai khoảng trống lớn khi nằm xuống. Họ cùng để lại trong trái tim của bao đứa con - học trò như tôi một nỗi nhớ vĩnh viễn không bao giờ xóa được...

 

Tôi chỉ hối tiếc một điều duy nhất về Thầy - cố Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trung Kiên: đó là chưa bao giờ tôi dám đến gần để nói với Thầy một tiếng, rằng tôi ngưỡng mộ Thầy bao nhiêu, rằng Thầy giống Bố đến kì lạ như thế nào? Rằng Thầy là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động về nghề Du lịch trong tôi? Rằng tôi cảm ơn Thầy nhiều lắm! Tôi chưa bao giờ có cơ hội đó, vì tôi quá nhút nhát...

 

Còn nhớ dịp đi thực tế năm thứ ba đại học (năm 2006), Khóa K48 chúng tôi được Thầy Đinh Trung Kiên và các thầy cô trong Khoa du lịch học đưa vào miền Trung. Tôi đã ấp ủ niềm đam mê khám phá về lăng mộ nhà Nguyễn qua bài giảng của Thầy trước đó. Tôi nghiền ngẫm sách Tuyến điểm du lịch của cô Bùi Thị Hải Yến, tự vẽ lại sơ đồ các lăng mộ khi đọc theo mô tả của cô Yến trong từng trang sách. Trong đó tôi yêu thích nhất lăng mộ Vua Minh Mạng (Có lẽ tại vì kết cấu của Lăng Minh Mạng cũng thể hiện vương quyền dũng mãnh và đầy khát vọng như Thầy và Bố).

PGS.TS. Đinh Trung Kiên hướng dẫn đoàn sinh viên lớp K48 đi thực tập thực tế tại

Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn năm 2006

Khi 04 thuyền rồng chuẩn bị dừng ở bến vào lăng Minh Mạng, tôi lấy hết can đảm của ba năm sinh viên để nhắn một cái tin cho Thầy:"Thầy ơi, Thầy cho phép con được thuyết minh về lăng Minh Mạng Thầy nhé. Con cảm ơn Thầy ạ. Con gái Hải Phòng". Vâng, tôi chỉ đủ can đảm kí tên như vậy, nhắn xong người tôi run lẩy bẩy, mặt nóng bừng, hai bàn tay cầm quyển sổ và cái bút cũng rung lên. Đừng bảo tôi dám kí tên thẳng vào tin nhắn, nếu làm thế chắc tôi ngất trên thuyền mất rồi!

 

Tôi nín thở chờ đợi. Thuyền của tôi lên trước. Tôi đứng trước mặt Thầy, nhưng hòa vào đám đông các bạn K48 và K47 tại chức. Im lặng hồi hộp chờ xem có được Thầy gọi lên (mà đúng ra là tôi cũng không biết Thầy có hiểu đó là tôi không nữa). Tôi thấy Thầy không nhìn tôi, mà Thầy dõi ánh mắt trìu mến về phía cổng xa xa, chờ đợi điều gì đó, khác hẳn với mọi lần (mọi lần Thầy nhăn trán chờ đợi những đồng chí chậm chân và quắc mắt đầy nghiêm khắc). Tim tôi nhói lên, có linh cảm gì đó cho tôi biết rằng hình như Thầy có gì nhầm lẫn chăng? Tôi như nghẹt thở, định với về phía Thầy gọi mà hỏi thẳng Thầy. Nhưng tôi không đủ can đảm, cứ như có ai dán miệng tôi lại và trói chân tay tôi lại vậy. Vừa lúc đó, Thầy hỏi lớn:"Hằng đâu rồi? Ở thuyền nào sao lâu thế? Lên đây đi con!". Ôi! Thầy nhầm với bé Hằng ở cùng phòng trọ với mình, cùng Hải Phòng. Thôi đúng rồi, vì Hằng vốn là một cô gái chăm chỉ, xinh xắn, đáng yêu, nhiệt tình, hát hay và thường tham gia văn nghệ của Khoa của trường. Lúc đó, Hằng hớt hải chạy vào mặt còn lấm tấm mồ hôi. Khổ thân cô bạn hiền lành của tôi. Nó vốn sợ thầy Kiên chả kém gì tôi. Nó ngơ ngác chả hiểu gì, tiến về phía Thầy đầy lo lắng và mặt thì tái mét. Tôi định lao lên nhưng rồi lại như có ai trói chân dán miệng! Thầy nheo mắt cười trìu mến và đầy hài lòng bảo:"Nào, em trình bày về lăng Minh Mạng cho tất cả cùng nghe đi". Rồi thầy cười chờ đợi. Hằng đứng như chết trân ở đó, giữa mấy trăm con mắt đổ dồn về, giữa cái nhìn chờ đợi của Thầy Kiên. Con bé lắc đầu sợ hãi. Thầy chờ đợi rồi mỉm cười bảo:"Ô hay, run quá à? Thôi được rồi đứng vào chỗ cho bình tĩnh đi nào". Thầy có vẻ hơi buồn, Thầy đứng thuyết trình về lăng Minh Mạng. Từng lời Thầy nói, từng nơi Thầy nhắc đến đều nằm trong đầu tôi, cứ như một bộ phim 3D rõ ràng và mạch lạc. Tôi giận mình đã hèn nhát đến tận giây cuối cùng...Kết thúc ngày đi thăm các lăng mộ nhà Nguyễn, tôi cũng được phát biểu đôi lần về lăng Tự Đức, tuy kiến thức ở đó không có gì nổi bật nhưng Thầy đã khen một câu làm tôi tự tin hơn hẳn:"Các em nhìn xem, đây là một trong những bạn mà Thầy thấy đáng tuyên dương hơn cả. Lúc nào cũng thấy hăng hái phát biểu và thể hiện sự tập trung ...". Tôi ngạc nhiên và sung sướng như vỡ òa. Tôi vẫn nghĩ rằng mình chỉ là con số 0 trong hàng ngàn sinh viên Thầy dẫn dắt. Vậy mà, hóa ra Thầy vẫn biết đến sự nỗ lực ngầm của tôi, chỉ có điều chưa bao giờ hai thầy trò nói chuyện riêng gì với nhau cả. Thôi thì thế cũng là điều an ủi với tôi. Tôi nhanh chóng quên đi sự kiện sáng nay ở lăng Minh Mạng.

 

Tối hôm đó, sau bữa tối là cả đoàn xếp hàng chờ lên thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương. Trong khi đang chờ đến lượt thuyền mình tiến vào, tôi thấy Thầy Kiên cứ đi đi lại lại dọc bến thuyền như tìm kiếm gì đó, và tay cầm điện thoại bấm bấm rồi lại ngước mắt lên quan sát. Tôi không để ý lắm vì lúc đó đang nô đùa cười nói với đám bạn gái (trong đó có cả Hằng và nhóm bạn mà Thầy rất yêu quý). Bất chợt tôi thấy điện thoại reo lên, tôi cầm lên theo phản xạ định nghe, thì tim nhảy thót lên vì màn hình hiện hai chữ:" Bố Kiên". Tôi chưa kịp định thần là có nên nghe hay không thì lập tức cuộc gọi tắt, và ai đó nhéo tai tôi đau nhói. Hoảng hốt quay ra, thì ra là Thầy. Thầy cười khoái trá. Nhưng Thầy không nói gì cả, chỉ bật cười khoái trá và gật đầu đầy hài lòng nhưng cũng như trách móc. Đừng hỏi giây phút đó tôi hạnh phúc thế nào! Vừa hoảng hốt, vừa sợ như kẻ trộm bị bắt quả tang, nhưng cũng vừa sung sướng thở phào nhẹ nhõm. Thú thật, cái cảm giác đi ăn trộm rồi ăn năn day dứt không dám thú nhận, mà chỉ chờ bị phát hiện ra nó như thế đấy! Mà Thầy quả thật là thông minh và tinh ý hơn tôi tưởng. Tôi cứ nghĩ Thầy sẽ không truy cứu cái vụ tin nhắn sáng nay, ấy vậy mà Thầy "để bụng" rồi quyết tâm tìm bằng được đứa "con gái Hải Phòng" bằng cách nháy máy đi tìm trong lúc cả đoàn tập trung đông đủ. Không hổ danh là lính cụ Hồ! Tối đó tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm, nhưng chưa đủ để tôi tháo bỏ nỗi sợ mơ hồ về cái Uy của Thầy. Tôi vẫn chẳng dám lại gần hỏi thăm. Cùng lắm là khi chụp ảnh, tôi nhất quyết phải túm chặt tay Thầy để chụp bên cạnh mới thôi. Đó đã là sự can đảm hiếm có và là sự cố gắng phi thường đối với tôi rồi.

 

Sau chuyến thực tế miền Trung đó về, tôi là một trong 03 sinh viên được Thầy chấm điểm 10 thực tập. Có nằm mơ tôi cũng không dám mơ đến. Lấy được điểm 10 của Thầy Kiên là điều vô cùng khó - nhất là đối với một đứa sinh viên chỉ ở hạng khá như tôi. Nhưng giấc mơ đó đã có thật. Tình cảm trân trọng mà tôi dành cho Thầy ngày một lớn, ngày một sâu sắc và cứ ngấm dần trong tôi từ lúc nào tôi cũng không biết. Những câu chuyện khi tôi kể với Bố tôi - người thầy đầu tiên, luôn là câu chuyện về Thầy Kiên - người thầy thứ hai này. Mọi bữa cơm khi trở về quê với bố mẹ, tôi đều nhắc đến Thầy một cách say sưa và không ngần ngại so sánh với Bố, khẳng định rằng con thực sự may mắn khi chọn theo học Khoa Du lịch học. Bố thường tủm tỉm cười khi nghe tôi hồ hởi và say sưa kể về Thầy. Với tôi, hai bóng hình đó tuy hai mà như một. Một người gieo cho tôi tình yêu du lịch, một người khơi dậy đam mê khao khát cho tôi làm du lịch. Cả hai cùng cho tôi những cung bậc cảm xúc khác thường khi lắng nghe câu chuyện và chia sẻ về những miền đất đã đi qua, những con người đã gặp, nhưng kinh nghiệm đã trải qua. Lúc thì cười nghiêng ngả và sảng khoái bởi những tình tiết bất ngờ hài hước, lúc thì lại trầm ngâm ngậm ngùi đến rơi nước mắt, lúc hồi hộp vì sự mạo hiểm tinh nghịch tuổi trẻ, lúc thì lại nên thơ sâu lắng và đầy tình yêu thương... nhưng cũng có những lúc sợ nem nép và nín thở vì sự nóng tính giận dữ của Bố, của Thầy.

 

Các bạn ạ, hai người Bố, hai người Thầy ấy có ý nghĩa chắp cánh cho ước mơ của tôi, soi đường cho sự nghiệp và đam mê của tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy kì diệu bởi càng đi mình càng thấy mình chọn đúng. Làm lữ hành, làm hướng dẫn viên, làm điều hành tour, làm quản lý, làm chạy bàn... tôi chẳng từ nan việc gì. Việc gì tôi cũng thấy Bố và Thầy đứng ở hai bên nhắc nhở, dìu dắt và chia sẻ, chỉ bảo. Bài học lớn nhất tôi học từ Bố là nghị lực vượt lên khỏi số phận, Bố thường dặn tôi một câu: "Đức năng thắng số con ạ". Còn Thầy thì dạy tôi bài học lớn nhất là: "Làm du lịch hay làm cái gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp", cụ thể hơn là Thầy từng dạy chúng tôi rằng: "Làm hướng dẫn viên không chỉ có phục vụ tốt, thuyết minh hay mà còn phải dạy cho du khách quý trọng tài nguyên. Vào động Phong Nha đừng có thò tay bẻ thạch nhũ. Làm du lịch phải nhìn cái bền vững mà đi theo, đừng có vì lợi trước mắt mà làm bậy làm bạ... Anh chị làm quan to quan lớn đến đâu, thì khi anh chị đứng ở vai trò người phục vụ, hãy nhớ làm tròn nhiệm vụ và lương tâm của mình ở vị trí đó. Với du khách, khi đó anh chị phải là một người phục vụ tận tâm...". Những lời đó ăn sâu vào tâm trí tôi, vào trái tim tôi từng ngày từng giờ. Nói văn vẻ hơn thì đó là kim chỉ nam, là ánh sáng để tôi giữ quan điểm khi theo nghề Du lịch.

 

Nay, tôi đã là chủ một doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Tôi đã thực hiện được giấc mơ bao năm ấp ủ của mình. Tôi nhìn lại những chặng đường mình đã đi qua, tôi thầm biết ơn Thầy nhiều lắm. Thầy không chỉ dạy tôi làm du lịch thành công mà còn chỉ cho tôi hiểu phải làm du lịch một cách bền vững, dạy tôi cái tâm đức của người làm Du lịch. Nhiều người từng làm việc với tôi cũng tự hỏi sao tôi lại yêu du lịch đến thế? Nhiều bác lái xe thì ngạc nhiên vì sao một cô bé Hướng dẫn viên trẻ người như vậy mà lại khiến cả đoàn khách vui vẻ cúi xuống nhặt rác trên sàn xe bỏ vào thùng rồi tự động bê xuống? Cô hướng dẫn viên đó còn khiến cả đoàn ai ai bước xuống xe cũng vẫy tay chào tạm biệt bác lái xe một cách vô cùng quý mến và lễ phép? Nếu họ biết tôi có người Thầy như thế, họ sẽ chẳng ngạc nhiên đâu!

 

Hình ảnh dáng đứng hiên ngang chắc chắn, chắp tay sau mông và nghiêng nhẹ mãi đầu, nheo nheo mắt nhìn theo đám sinh viên chạy sau, hình ảnh một người Thầy tóc muối tiêu mà lúc nào cũng phăm phăm đi trước dẫn đầu - khiến cho bọn trẻ chúng tôi và bao thế hệ chạy theo sau hụt hơi, hình ảnh nghiêm khắc mà vẫn bao dung yêu thương của Thầy, tiếng nói kiên quyết rành mạch và đầy sức nặng của Thầy... sẽ mãi mãi đi theo tôi trên mọi nẻo đường. Tên Thầy đã, đang và sẽ luôn được tôi nhắc đến trong mọi bài học nghiệp vụ cho các thế hệ nhân viên và đồng nghiệp của tôi, nhắc đến trong mọi câu chuyện chia sẻ của tôi với anh chị em đồng môn, đồng nghiệp. Mỗi bước đi và lời nói của tôi đều mang hơi thở và tình cảm của hai người Thầy - hai người cha vĩ đại.

 

Cầu chúc cho Thầy, cho Bố luôn bình yên an nghỉ nơi vĩnh hằng. Nếu lắng nghe được tiếng của con, xin hãy luôn dõi theo mỗi bước chân con đi và tiếp tục chỉ đường cho con như Người vẫn làm, Thầy nhé, Bố nhé! Nhân ngày 20/11 sắp đến, con xin dâng nén Tâm hương gửi đến Người ngàn lời biết ơn sâu sắc nhất. Con tin không chỉ một mình con mang ơn Thầy như vậy, mà hàng ngàn học trò bao thế hệ chắc chắn sẽ nhớ về Thầy trong những ngày tháng đầy kỉ niệm này.

 

Cố Phó GS.TS Đinh Trung Kiên - người Thầy, người Cha của chúng tôi.

 

Tác giả: Chị Nhữ Thị Ngần - sinh viên K48 Khoa Du lịch học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay462
  • Tháng hiện tại32,196
  • Tổng lượt truy cập1,236,402
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây