Ghi dấu bằng sự khác biệt để khẳng định vị thế

Chủ nhật - 16/01/2022 10:50

Ghi dấu bằng sự khác biệt để khẳng định vị thế

Nhờ được thiên nhiên ưu ái cùng hệ thống địa hình đa dạng, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ngoài trời, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Nhưng để phát triển loại hình du lịch còn khá mới mẻ này, cần có sự nhìn nhận đúng đắn để phát triển một cách bài bản. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
- Loại hình du lịch trải nghiệm với các hoạt động ngoài trời như trekking (leo núi), hiking (đi bộ đường dài), cycling (đạp xe), camping (cắm trại), glamping (cắm trại với đầy đủ tiện nghi)... đang ngày càng phổ biến. Ông nghĩ sao về xu hướng này?
- Du lịch là lĩnh vực đòi hỏi phải cung cấp trải nghiệm cho du khách nhiều nhất có thể. Với các hợp phần chính của du lịch là ẩm thực, lưu trú, đi lại, vui chơi giải trí, mua sắm, du khách luôn mong muốn được trải nghiệm - tham gia trực tiếp vào quá trình đồng sáng tạo các hoạt động, sản phẩm và loại hình du lịch để thỏa mãn các giác quan của mình về thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác (5 giác quan) và trên hết là cảm giác. 
Trải nghiệm du lịch không phải là thuật ngữ hay hoạt động mới xuất hiện, mà nó đã xuất hiện và được đề cập đến từ lâu như là một yếu tố đóng vai trò “trung tâm” quyết định tới sự thành công của các sản phẩm, chương trình du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, những hoạt động du lịch trải nghiệm ngoài trời như trekking, cycling, camping, glamping, hiking... với quy mô nhỏ, biệt lập ngày càng được quan tâm và chú trọng như một xu hướng phát triển. 
Trước tiên, các trải nghiệm ngoài trời này thường gắn với những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khoáng đạt, rộng rãi... giúp bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. Mặt khác, sau thời gian dài bị căng thẳng vì giãn cách, du khách có xu hướng tìm kiếm các hoạt động ngoài trời để giải tỏa về mặt thể chất và tinh thần. Điều này mang lại cho du khách cảm giác được sống chậm thay cho nhịp sống nhanh của cuộc sống thường nhật, giúp họ trải nghiệm sâu những giá trị của chương trình du lịch. 
 

- Theo ông, để phát triển loại hình du lịch ngoài trời một cách bài bản, Việt Nam cần làm gì để tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng nhằm tạo nên những sản phẩm thế mạnh?
- Việt Nam có lợi thế trong phát triển các trải nghiệm du lịch ngoài trời (outdoor activities) khi nước ta có địa hình đa dạng - “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (ba phần núi, bốn phần biển, một phần đồng bằng) với nhiều không gian, cảnh quan ngoạn mục. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế này, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào:
Ở góc độ quản lý nhà nước, cần có chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển các hoạt động trải nghiệm du lịch và các loại hình liên quan tới trải nghiệm du lịch ngoài trời. Một số loại hình (du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng...) đã có chính sách, chủ trương và bộ tiêu chuẩn hướng dẫn, nhưng cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện. 
Đối với các doanh nghiệp và điểm đến du lịch - những người khai thác và vận hành hoạt động trải nghiệm ngoài trời, từ nhận thức tới hành động phải chú trọng sự phát triển bền vững của chương trình cũng như thu hút khách du lịch tới điểm đến. Điều này giúp họ hình dung các công việc phải làm nhằm xây dựng sản phẩm trải nghiệm độc đáo, khác biệt; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ năng, nghiệp vụ; có trang thiết bị phù hợp để tổ chức du lịch.
Các chiến lược truyền thông, quảng bá cấp quốc gia, cấp địa phương tới du khách về các hoạt động trải nghiệm du lịch ngoài trời, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cũng cần được đẩy mạnh để khơi dậy nhu cầu trải nghiệm du lịch từ phía du khách.

- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phát triển loại hình du lịch ngoài trời? Ngành Du lịch và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm thế nào để loại hình du lịch này góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng?  
- Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch được thực hiện thông qua các chủ thể chính của hoạt động du lịch là T (Tourist) - Khách du lịch, C (Community) - Cộng đồng, B (Businessman) - Doanh nghiệp, G - (Government) - Chính quyền, trong đó khách hàng đứng ở góc độ “cầu du lịch” (nhu cầu của du khách), các chủ thể còn lại đứng ở góc độ “cung du lịch”. Vai trò của chính quyền và doanh nghiệp đã được đề cập ở trên, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch nói chung và trải nghiệm du lịch ngoài trời nói riêng. Thái độ, sự thân thiện của người dân, bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên của địa phương... là những yếu tố quyết định sự hài lòng của du khách, mức độ thành công của các sản phẩm và chương trình du lịch trải nghiệm. 
Cộng đồng địa phương thường cư trú ở các điểm đến, nhiều khi trước cả khi những điểm đến hình thành. Họ có bản sắc văn hóa độc đáo, sự hiếu khách, môi trường tự nhiên, nhưng điều kiện kinh tế thường khó khăn, họ thiếu kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phục vụ khách. Những vấn đề này có thể được khắc phục qua thời gian. Tuy vậy, nếu chính quyền và các doanh nghiệp có chính sách và hoạt động hỗ trợ đào tạo kỹ năng, tay nghề và kiến thức liên quan tới du lịch và trải nghiệm du lịch thì sẽ giúp giữ chân đội ngũ lao động trẻ ở lại địa phương, bổ trợ và chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng.  
Trong bối cảnh hiện nay, việc tập huấn và đào tạo cần tập trung vào các vấn đề liên quan tới vệ sinh, an toàn trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm; các vấn đề về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm lý khách hàng; kỹ năng phục vụ khách lưu trú, ăn uống, tham quan trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa; quảng bá - tiếp thị bán hàng thông qua ứng dụng công nghệ số (điện thoại thông minh) và mạng xã hội; cung ứng các dịch vụ bổ sung (sản phẩm lưu niệm, giặt là...).

- Loại hình du lịch này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình so với các nước trong khu vực không, thưa ông? 
- Với những lợi thế sẵn có về địa hình như đã đề cập ở trên, nếu ngành Du lịch có chính sách phù hợp và các bên liên quan tới hoạt động du lịch ở Việt Nam quyết tâm, phối hợp đồng bộ để khai thác loại hình du lịch trải nghiệm ngoài trời, thì du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể có được vị trí cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực. Vấn đề quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào tư duy sáng tạo và triển khai dựa trên lợi thế vốn có. Chúng ta có bất lợi là xuất phát điểm du lịch sau, kể cả du lịch truyền thống và loại hình trải nghiệm du lịch ngoài trời. Dù vậy, chúng ta lại có được nhiều bài học kinh nghiệm (kể cả thành công và hạn chế) từ các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia. 
Với bối cảnh Covid-19 hiện nay, “sân chơi” du lịch quốc tế ở các nước trong khu vực đều trở về cùng một điểm xuất phát, do vậy, chúng ta phải hình dung các chương trình trải nghiệm du lịch trong thời gian tới và phải hướng đến thị trường nội địa. Đối với thị trường khách quốc tế thì đó là thị trường "ngách", nhưng "nhỏ mà đẹp" còn hơn làm đại trà để rồi phải trả giá đắt với những biến đổi về văn hóa và môi trường điểm đến. Các sản phẩm phải có yếu tố độc, lạ, khác biệt cao để dễ dàng ghi dấu ấn trong tâm trí của du khách. Có như vậy, vị thế của du lịch Việt Nam trong tâm trí của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế sẽ ngày càng được khẳng định và nâng tầm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Link bài viết: http://www.hanoimoi.com.vn/ReadPaper/?NewsID=7&fbclid=IwAR1_hfrEbXe58ER4n0ssCBBTj-fg-L9Wfy90eWLWJvGyOd4zRVqoiJycBKw



 

Tác giả: Mỹ An thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây