- Theo ông, thị trường du lịch sẽ có những thay đổi gì khi Covid-19 được kiểm soát?
Với tình hình hiện tại, chúng ta vẫn mới chỉ kiểm soát chứ chưa thể loại bỏ Covid-19. Bởi vậy, hành vi của du khách sẽ không thể quay lại như trước kia. Trước kia, du khách thường đi theo nhóm lớn, ưa chuộng những nơi đông đúc, còn bây giờ hình thức du lịch cá nhân và theo nhóm nhỏ, gia đình sẽ lên ngôi.
Trước đây, khách du lịch ưa thích các chuyến đi xa, dài ngày, đến các đại lục khác nhau, thì bây giờ để đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế lây nhiễm, hình thức, quy mô, khoảng cách và thời gian các chuyến đi đều sẽ được thu hẹp lại.
Tại Việt Nam, trước khi xảy ra dịch bệnh, chúng ta chú trọng vào việc khai thác thị trường khách quốc tế nhưng hiện tại sẽ phải tập trung vào việc khai thác thị trường khách du lịch nội địa, nhất là khi chúng ta tuy “mở cửa” nhưng rất dè dặt.
Mới đây, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã ký quyết định cho thí điểm việc đón khách du lịch quốc tế tại một số điểm đến an toàn. Mặc dù chúng ta dự kiến tháng 1/2022 tới đây sẽ mở cửa cho du khách quốc tế nhưng rõ ràng thị trường khách du lịch nội địa vẫn cần được ưu tiên nhiều hơn. Tôi cho rằng việc mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế là bất khả thi, bởi chúng ta vẫn cần phải lắng nghe tình hình.
- Nhưng thị trường du lịch nước ta sẽ khó phục hồi nếu thiếu du khách quốc tế, vậy phải làm sao?
Việc phục hồi du lịch cần những giải pháp mang tính vĩ mô - vi mô, ngắn hạn - dài hạn. Đối với giải pháp mang tính ngắn hạn, chúng ta cần tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, bởi hiện tại, các doanh nghiệp du lịch gần như kiệt quệ. Các gói hỗ trợ về thuế, phí, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước; những gói vay ưu đãi để duy trì hoạt động doanh nghiệp hay chính sách hỗ trợ người lao động về thu nhập là rất cần thiết.
Cùng với đó, chúng ta cần có cơ chế để thu hút thêm nguồn nhân lực, bởi sau Covid-19, một bộ phận người lao động đã chuyển đổi công việc và khó có khả năng trở lại công việc cũ. Sự hỗ trợ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là rất cần thiết.
Ở Việt Nam, các sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, mới tập trung chủ yếu vào 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên và du lịch đô thị. Đại dịch đã cho chúng ta thấy cần có bước chuyển hóa mạnh mẽ về việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu du lịch theo xu hướng hiện nay.
Chúng ta phải đi sâu vào các dòng sản phẩm để tính toán sao cho thích nghi với nhu cầu mới. Kế đó, hoạt động liên quan đến truyền thông, quảng bá cũng cần được thực hiện, tốt nhất là các hoạt động nhằm đẩy mạnh tính an toàn cho khách du lịch.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú trọng đến việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch. Ở thời điểm này, doanh nghiệp nào số hóa mạnh thì khả năng tiếp cận với thị trường khách hàng sẽ tốt hơn những doanh nghiệp vẫn chào bán sản phẩm theo phương thức cũ (trực tiếp). Việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, kể cả khi đại dịch Covid-19 không xuất hiện.
Vì thế, ngành du lịch Việt Nam cần nắm bắt thời cơ để tạo ra một cuộc cách mạng về công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ cho du khách, tiết kiệm chi phí vận hành của doanh nghiệp, cũng như xây dựng được một hệ thống thu thập dữ liệu đồng bộ cho ngành du lịch, phục vụ cho các mục đích nghiên cứu và hoạch định chính sách một cách phù hợp và có hiệu quả hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ chuỗi cung ứng ngành du lịch cũng sẽ giúp đảm bảo an toàn cho du khách và người dân sinh sống tại điểm đến, đồng thời giúp Chính phủ có khả năng kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ, hiệu quả , truy vết kịp thời nếu có dấu hiệu lây lan khi Việt Nam mở cửa lại cho du khách quốc tế.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp về kiểm soát dịch. Ví dụ như Nghị quyết 128/NQ-CP quy định phân loại cấp độ dịch theo vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng cũng là một trong các chính sách có thể giúp cho hoạt động du lịch quay trở lại.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách nhất quán để giúp cho khách di chuyển đến vừa an toàn, thuận tiện. Tôi được biết, tại Việt Nam, hiện vẫn có một số điểm đến tuy an toàn nhưng không thuận tiện. Một số địa phương vẫn gây khó dễ cho khách du lịch bằng những quy định khắt khe.
Về dài hạn, chúng ta cần có những giải pháp như phát triển du lịch bền vững, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, giao thông hạ tầng, nhân lực tương lai...
- Trong Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để thay đổi, biến “nguy thành cơ”; cũng có ý kiến cho rằng Covid-19 là cơ hội để tái cấu trúc ngành du lịch. Quan điểm của ông thế nào?
Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà ảnh hưởng đến tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi Covid-19 bùng phát mạnh, việc đón khách của các quốc gia gần như bằng 0. Như vậy, nhìn ở góc độ tích cực, Covid-19 đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả quốc gia.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một điều rằng, trước đại dịch, Việt Nam không có vị thế về du lịch tốt so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore… Do đó, Covid-19 đã cho chúng ta cơ hội bình đẳng cạnh tranh về “sân chơi” du lịch với các quốc gia trong khu vực.
Đây có phải cơ hội tái cấu trúc không? Tôi cho rằng đây là cơ hội để chúng ta cạnh tranh sản phẩm với các nước trong khu vực, cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam thông qua việc khống chế Covid-19. Điều này cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại việc lâu nay tập trung vào thị trường khách quốc tế mà chưa dành sự quan tâm lớn tới thị trường khách nội địa. Qua đây, chúng ta cần nhận thức rõ việc đẩy mạnh thị trường khách du lịch nội địa.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã mang lại cho chúng ta nhiều bài học. Đây đều là những bài học sâu sắc được đúc kết và chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm để có thể dần thích nghi với tình trạng “bình thường mới”. Với bối cảnh Việt Nam, bài học đầu tiên là cần trang bị các kiến thức về quản trị khủng hoảng và xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng. Đây rõ ràng là lĩnh vực xưa nay chúng ta chưa chú trọng nhiều, nên khi đại dịch xảy ra, chúng ta còn có nhiều lúng túng trong việc quản trị khủng hoảng hay còn thiếu nguồn ngân quỹ cho xử lý đại dịch.
Bài học tiếp theo là tránh bị phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm. Trước đây, chúng ta làm du lịch thường chỉ chú trọng vào một số thị trường (ví dụ thị trường du lịch quốc tế) hoặc không đa dạng sản phẩm nên các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gần như không thể chuyển đổi khi gặp những bất trắc hay khó khăn như đợt dịch bệnh này.
Đại dịch cũng cho chúng ta thấy cần phải liên kết và hợp tác trong khủng hoảng. Liên kết và hợp tác luôn là một yếu tố quan trọng cho một ngành kinh tế tổng hợp như du lịch, nhưng chưa bao giờ bài học về liên kết và hợp tác lại được các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các bên liên quan nhìn nhận nghiêm túc như trong thời gian khủng hoảng bởi đại dịch.
Khi sức tàn phá kinh tế của Covid-19 không bỏ qua bất cứ điểm đến và doanh nghiệp nào, ngành du lịch mới nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương để cùng nhau phục hồi và phát triển trở lại một cách bền vững hơn. Bên cạnh hợp tác trong nước, việc hợp tác với các nước để “ngoại giao vắc xin” nhằm nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
- Kịch bản nào có khả năng xảy ra nhất với ngành du lịch trong thời gian tới?
Tôi cho rằng năm 2022, diễn biến của dịch Covid-19 vẫn rất khó dự đoán với các biến thể khó lường. Các tổ chức quốc tế cũng đã vẽ ra một số kịch bản liên quan đến diễn biến của dịch Covid-19. Cụ thể, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra 3 kịch bản về việc phục hồi, phát triển du lịch quốc tế trong vòng 2,5 năm (tức đến giữa năm 2022), 3 năm (đến năm 2023), và 4 năm (đến 2024). Chúng ta có thể căn cứ kịch bản này để làm cơ sở cho sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam.
Tại Việt Nam, chúng ta có thể nhìn nhận một vấn đề rằng vào đầu năm 2022, việc phát triển du lịch nội địa dù được xem trọng nhưng vẫn khá dè dặt. Chúng ta tuy mở cửa nhưng vẫn mang tính chất thí điểm. Do đó, lượng khách quốc tế tính đến nửa đầu 2022 sẽ không nhiều. Vào thời điểm nửa cuối năm 2022, khi vắc xin được tiêm chủng trên diện rộng, khả năng mở cửa các chuyến bay du lịch, thương mại, số khách quốc tế sẽ khả quan hơn.
Về tương lai, du lịch chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh sẽ còn kéo dài, thậm chí vĩnh viễn và do vậy sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng du lịch bị chậm lại. Điều cốt yếu là chúng ta phải chủ động trong việc tiêm chủng vắc xin diện rộng để tăng khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch.
Nguồn: Hoàng Hà (2022), "PGS.TS Phạm Hồng Long: 'Năm 2022 vẫn khó mong nhiều du khách quốc tế' ", Tạp chí điện tử đầu tư tài chính.
Link bài viết: https://vietnamfinance.vn/pgsts-pham-hong-long-nam-2022-van-kho-mong-nhieu-du-khach-quoc-te-20180504224263289.htm?fbclid=IwAR3yJTW38qfUQd2zuVThq74cC69J1ppy1dKDjZ0PlAs1BescKNWhjatvVtQ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn