- Nhiều ý kiến cho rằng, cần học hỏi bài học từ Phuket Thái Lan khi triển khai chương trình Sandbox Phuket. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Từ ngày 1/7/2021, Thái Lan áp dụng chương trình Sandbox Phuket, chương trình cũng được thử nghiệm trong vòng 6 tháng và những điều khoản áp dụng của họ đã rất chặt chẽ.
Trong đó có thể kể đến như khách du lịch phải xuất trình một số giấy tờ để hoàn thành đơn đăng ký Giấy chứng nhận nhập cảnh trực tuyến và nhận chứng chỉ như: Giấy chứng nhận y tế cho thấy kết quả RT-PCR COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đi du lịch; Bảo hiểm y tế cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị COVID-19 trị giá ít nhất 100.000 USD; Thanh toán trước chi phí lưu trú 14 đêm; Vé máy bay rời Thái Lan; và Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 đã được Bộ Y tế Công cộng của Thái Lan hoặc Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt ít nhất 14 ngày trước khi đi du lịch; khách du lịch dưới 18 tuổi chỉ cần xuất trình xét nghiệm RT-PRC âm tính.
Việt Nam áp dụng chương trình này sau Thái Lan có thể nói là một trong những may mắn. Thực sự, chương trình Sandbox Phuket cho chúng ta những bài học để không phải quá loay hoay về những phương án để thực thi.
Trong giai đoạn 1 áp dụng chương trình, Thái Lan cũng đã đặt kỳ vọng có thể đón hơn 129.000 khách, nhưng thực tế, kết quả tính đến hết hết 14/9 chỉ đạt khoảng 30.000 khách, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của họ.
Song, trở lại với câu chuyện của Phú Quốc, kỳ vọng trong 2 – 3 tháng đầu tiên của chúng ta chỉ là 2 – 3.000 khách/tháng, từ tháng thứ 4, dự tính đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, và trong 6 tháng thí điểm dự kiến đón từ 25.000 đến 40.000 khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Con số này thấp hơn rất nhiều so với con số dự kiến của chương trình Sandbox Phuket, do đó hoàn toàn khả thi.
- Vậy để áp dụng tại Việt Nam cần những lưu ý gì thưa ông?
Tại Phuket, Chính phủ Thái Lan yêu cầu trước hết đó là các địa phương phải đảm bảo độ phủ về vaccine đạt tỷ lệ 70% trở lên, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng, và Việt Nam nếu muốn áp dụng được thì cần đạt được độ phủ về vaccine như ở Phuket, phải kiên quyết học hỏi về việc này. Song, thời hạn dự định chúng ta đang đặt ra là tới tháng 11 sẽ mở cửa đón khách du lịch, liệu rằng trong thời gian ngắn như này thì có đạt được không.
Đặc biệt trong bối cảnh những ngày gần đây, ở Phú Quốc đã xuất hiện nhiều trường hợp dương tính với COVID-19. Đây là tình huống có thể làm chậm tiến độ “mở cửa” của Phú Quốc.
Thứ nữa là về công tác chuẩn bị, tại Phuket, họ yêu cầu rất nhiều công đoạn, giấy tờ để đảm bảo công tác kiểm dịch, phòng dịch, liên quan như yêu cầu giấy tờ cần thiết, quy định các quốc gia được phép nhập cảnh, quy định về độ tuổi, khách sạn đón tiếp như thế nào, thời hạn cách đi, lộ trình cho phép ra sao, các tình huống xảy ra khi nhập cảnh, xuất cảnh…
Ban đầu họ bắt buộc phải ở Phuket 14 ngày, sau đó đã giảm số ngày bắt buộc ở Phuket xuống còn 7 ngày và từ ngày thứ 8 có thể đi các địa danh như Phang Nga, Surat Thani, Krabi , hết 14 ngày thì có thể đi toàn quốc.
Một số doanh nghiệp cũng đã trao đổi với tôi rằng họ lo ngại nếu đón khách đến Phú Quốc, đáp ứng đủ tiêu chí rồi nhưng trong thời gian ở Phú Quốc, nếu khách nhiễm COVID-19 thì ai chịu trách nhiệm?
Thông thường, với các loại bảo hiểm hiện nay, đại dịch nằm trong danh sách điều khoản miễn trừ bảo hiểm, do đó, doanh nghiệp không biết được nếu trường hợp xấu nhất là du khách nhiễm bệnh, trách nhiệm sẽ thuộc về ai.
Ngoài ra, công tác đón khách như thế nào, đến từ đâu, đường bay kết nối như thế nào, đây là vấn đề lớn cần lưu tâm.
Chúng ta áp dụng mô hình như Phú Quốc Sandbox có rất nhiều thuận lợi, những điều đó mình hoàn toàn có thể học hỏi từ các nước đi trước.
- Thái Lan đã quảng bá liên tục về chương trình Sandbox Phuket trước khi được áp dụng 5 tháng, trong khi đó, với Việt Nam chỉ có hai tháng để chuẩn bị liệu có khả thi không thưa ông?
Về việc quảng bá, đây thật ra là vấn đề không quá ảnh hưởng.
Trước hết, Phú Quốc vốn rất nổi tiếng với thị trường khách châu Âu như Đức, Ý, đặc biệt là khách Đức, họ thích tới các vùng biển như Phú Quốc của Việt Nam. Thời điểm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian ở Nga rất lạnh, những năm trước, khoảng thời gian này chúng ta đón rất đông lượng khách đến từ Nga, họ có xu hướng đến các bãi biển nhiều nắng như Nha Trang, Mũi Né…
Hiện, các điểm du lịch trên vẫn đang bị đóng cửa, nên có thể Phú Quốc sẽ tiếp cận được với thị trường du khách này.
Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng mục tiêu mà chúng ta đặt ra với Phú Quốc là rất khiêm tốn chứ không phải du lịch đại chúng, do đó, về vấn đề quảng bá để thu hút lượng khách này thì 2 tháng không phải quá ngắn. Hiện một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đang quảng bá rất mạnh mẽ chương trình này rồi.
Chung quy lại, điều mà chúng ta cần lo lắng nhất bây giờ là vấn đề tăng độ phủ về vaccine, có lộ trình nghỉ dưỡng phù hợp và cách để quản lý du khách. Rất nhiều những trường hợp bất ngờ có thể xảy đến, ví dụ như du khách bỏ trốn đến địa điểm khác…Đây là vấn đề cần được giải quyết.
- Song, cũng nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn hết với ngành du lịch trong nước hiện nay là phục hồi du lịch nội địa, cấp thẻ xanh cho khách du lịch trong nước?
Đây có thể là một điều tạo ra phân biệt đối xử, bởi nếu chỉ mở cửa với khách du lịch quốc tế mà không mở với khách nội địa. Khách trong nước cũng đã ở nhà quá lâu và nhu cầu đi lịch là rất lớn.
Mặt khác, mở cửa một địa danh như Phú Quốc, đây là đảo biệt lập, do đó, nếu mở cửa với khách du lịch nội địa có thể còn an toàn hơn so với khách quốc tế.
Phú Quốc rất nổi tiếng với du khách châu Âu.
Nhưng mục tiêu mở cửa đón khách quốc tế không đơn thuần là phục hồi ngành du lịch của riêng Phú Quốc mà còn là mục tiêu mở cửa lại ngành du lịch VN. Nó như một phép thử, ngòi thuốc nổ để bùng nổ lại ngành du lịch VN, giúp mục tiêu của Chính phủ vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.
Tuy nhiên, nếu mở cửa cả 2 nguồn khách, e rằng sức chịu tải về mặt đường đến, dịch vụ sẽ quá tải, và khách du lịch nội địa thường có nhu cầu du lịch đại chúng rất nhiều, đi đông và sử dụng nhiều dịch vụ kèm theo. Họ cũng có thể di chuyển đến các địa phương khác dễ dàng hơn.
Trong khi đó, khách du lịch quốc tế họ đi theo đoàn, có thể quản lý thuận tiện hơn.
Từ kinh nghiệm của chương trình Sandbox Phuket, họ cũng chỉ mở cửa với khách nội địa sau 2 tháng khi mở cửa với khách quốc tế.
Chúng ta cần học hỏi điều này khi áp dụng tại Phú Quốc, sau khi thử nghiệm đón khách quốc tế ổn, đảm bảo dịch vụ, xử lý hoàn toàn được các vấn đề phát sinh thì hoàn toàn có thể mở cửa với khách nội địa.
Nó sẽ thuận tiện hơn, còn nếu mở cửa cùng lúc thì sẽ quá tải với du lịch địa phương. Do đó, mở cửa ca 2 nguồn khách thời điểm này là không phù hợp.
- Làn sóng dịch bệnh lần 4 kéo dài và đúng “mùa du lịch” thật sự đã khiến ngành du lịch chao đảo, theo ông, liệu có giải pháp căn cơ để có thể nhanh chóng phục hồi?
Để nói về việc loại bỏ hoàn toàn COVID – 19 có lẽ là điều không tưởng, điều chúng ta cần làm hiện tại là sống chung với nó và không thể nào đóng cửa mãi được.
Do đó, để ngành du lịch có thể phục hồi thì cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, quy hoạch, cho đến nhân lực, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ, đầu tư, xúc tiến quảng bá, thị trường, an ninh an toàn du lịch.
Thứ nhất, tiêm chủng diện rộng sẽ là giải pháp “nền tảng” để giúp cho việc mở lại các hoạt động du lịch, kể cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Những nhân sự chủ chốt ngành du lịch cần được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin trong các đợt tiếp theo, càng sớm càng tốt.
Những nhân sự này bao gồm nhân viên dịch vụ vận chuyển (cả đường bộ và hàng không), hướng dẫn viên, nhân viên tại những khách sạn, nhà hàng, những cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch..., bởi khi đón khách (dù là quốc tế hay nội địa) đây sẽ là những người trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc với du khách nên sẽ chịu nhiều nguy cơ rủi ro cao. Vậy nên để có thể động viên nhân sự ngành du lịch - những người tiên phong giúp phục hồi ngành kinh tế xanh này thì những đối tượng này cần được, và xứng đáng là một trong những nhóm người được ưu tiên tiêm vắc-xin
Thứ hai, các cơ chế đặc biệt cho địa phương “vùng xanh” để phục hồi thị trường nội địa.
Trong thời gian tới, các địa phương “vùng xanh” đã khống chế được dịch bệnh, hoàn toàn có thể mạnh dạn và chủ động trong việc khai thác thị trường du lịch tại địa phương mình, hoặc liên kết song phương, đa phương với các địa phương nằm trong vùng an toàn khác để thúc đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa.
Thứ ba, chú trọng những chính sách để dần khai thác trở lại thị trường khách quốc tế đến (inbound), mở cửa với các thị trường “vùng xanh về phòng chống dịch COVID-19”. Đơn cử như Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang.
Thứ tư, hợp tác liên kết giữa các hiệp hội và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ để đổi mới sáng tạo các sản phẩm du lịch sao cho phù hợp với xu hướng phát triển loại hình, sản phẩm và dịch vụ trong và sau đại dịch.
Thực tế cho thấy, sức tàn phá kinh tế từ COVID-19 không bỏ qua cho bất cứ một điểm đến và doanh nghiệp nào. Chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và liên kết hợp tác với nhau chặt chẽ thay vì tự thân, biệt lập để rồi dễ bị cô lập và phá sản.
Thứ năm, cần các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về thuế, phí, thủ tục, trợ cấp và giữ chân người lao động thu nhập để tránh một sự khủng hoàng nguồn nhân lực sau đại dịch.
Vừa qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan tới việc giảm tiền ký quỹ lữ hành, hay chính sách hỗ trợ người lao động về thu nhập. Nhưng các thủ tục còn khá phức tạp và chưa thể tạo cho doanh nghiệp du lịch cũng như người lao động yên tâm trụ lại với nghề.
Thứ sáu, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đây là một xu thế sẽ diễn ra, kể cả khi đại dịch COVID-19 không xuất hiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ chuỗi cung ứng ngành du lịch cũng sẽ giúp đảm bảo an toàn cho du khách và người dân sinh sống tại điểm đến, cũng như giúp chính phủ có khả năng kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ, hiệu quả và truy vết kịp thời nếu có dấu hiệu lây lan khi Việt Nam mở cửa lại cho du khách quốc tế.
- Vậy, theo ông, kịch bản nào có thể xảy ra với ngành du lịch trong thời gian tới?
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra 3 kịch bản về việc phục hồi du lịch phát triển du lịch quốc tế (tương đương với năm 2019) trong vòng 2,5 năm (đến giữa năm 2022), 3 năm (2023), và 4 năm (2024).
Chúng ta có thể căn cứ kịch bản này để làm cơ sở cho sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam. Du lịch chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh sẽ còn kéo dài, thậm chí vĩnh viễn và do vậy sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng du lịch bị chậm lại. Điều cốt yếu là chúng ta phải chủ động trong việc tiêm chủng vắc-xin diện rộng để tăng khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch.
Các loại hình du lịch như du lịch ngắn ngày (microcation), du lịch tại chỗ (staycation), kỳ nghỉ linh hoạt (flexcation), du lịch biệt lập (isolated travel), du lịch sức khỏe (wellness tourism), du lịch sáng tạo (smart tourism), du lịch ảo (virtual tour), du lịch giãn cách (social distancing tour), du lịch sinh thái (ecotourism) trở về với tự nhiên; và sự biến động về hành vi tiêu dùng sản phẩm dịch vụ của khách du lịch như thích tự thiết kế chương trình, trải nghiệm “sâu” thay vì “nông”, “xanh” thay vì “nâu”, tìm kiếm và đặt dịch vụ online trực tiếp, đặt dịch vụ từng phần thay vì trọn gói, đặt dịch vụ vào giờ chót để tránh những rủi ro... sẽ lên ngôi và định vị cho du lịch thời hậu COVID-19.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn tin: Diệu Hoa - Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn