Mở cửa Du lịch: Tránh tình trạng "nay mở, mai lại đóng"

Thứ bảy - 23/10/2021 12:10
Việc "hôm nay mở, mai lại đóng", không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của khách mà còn "bào mòn", khiến các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới.
Mở cửa Du lịch: Tránh tình trạng "nay mở, mai lại đóng"

Du lịch Việt Nam trải qua 2 năm ảm đạm với thiệt hại gần như chạm đáy. Nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh đã khiến du lịch Việt quay trở lại mốc 30 năm trước đây. Nguồn lực doanh nghiệp đã cạn kiệt. 

Chỉ cần "mở cửa du lịch" là các đoàn khách sẽ lên đường

Tại tọa đàm "Mở cửa du lịch thế nào để an toàn" do báo Dân trí tổ chức sáng 20/10 vừa qua, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, sau 4 làn sóng Covid-19, hiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tốt, đây là thời điểm chín muồi để du lịch mở cửa, từng bước khôi phục hoạt động.

Sự hồi phục của du lịch sẽ giúp lan tỏa, tạo động lực để các ngành kinh tế khác trở lại hoạt động bình thường.
 


Tọa đàm "Mở cửa Du lịch" thế nào để an toàn được báo Dân trí tổ chức vào ngày 20/10 vừa qua. (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng bình luận, hiện các doanh nghiệp đã luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng, chỉ cần "mở cửa du lịch" là các đoàn khách sẽ lên đường. Ngoài việc khôi phục thị trường nội địa, ông Bình cho rằng phải khẩn trương đón khách quốc tế.

"Thị trường quốc tế là con đường duy nhất giúp chúng ta khôi phục du lịch. Chúng ta có thể làm chậm nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào trong thời gian sớm nhất. Chỉ có khách quốc tế vào thì các hoạt động kinh tế đối ngoại mới trở lại và xã hội mới phát triển bình thường.

Hiện nay, lộ trình mở cửa, đón khách quốc tế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, chỉ cần "mở cửa du lịch" là các đoàn khách sẽ lên đường. (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo dự thảo của kế hoạch này, việc đón khách quốc tế dự kiến được triển khai vào tháng 11 sắp tới, kéo dài từ 3-6 tháng và ưu tiên đón khách ở những thị trường tiềm năng về du lịch và có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19 như thị trường Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc… 

Đối tượng khách du lịch quốc tế sẽ đi theo hình thức "hộ chiếu vaccine", phải hoàn thành việc tiêm chủng vaccine, test PCR... và tham gia du lịch trọn gói với các chuyến bay charter đến Việt Nam.

Về khách nội địa, đây cũng là thị trường tiềm năng giúp du lịch hồi phục sau khi hứng chịu liên tiếp "làn sóng" Covid-19. Chúng ta có 100 triệu dân, năm 2019 phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Sau giãn cách, nhu cầu đi du lịch là rất lớn. Giờ là lúc chúng ta cần phải mở cửa để phục vụ người dân. 

Mỗi tỉnh một quy định làm "khó" cho việc mở cửa du lịch

Dù hiện nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt song việc đi lại giữa các tỉnh thành vẫn còn có những quy định khác nhau.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới nếu chúng ta không thống nhất được quy trình này thì sẽ gây khó cho các hoạt động du lịch.

Việc "hôm nay mở, mai lại đóng", không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của khách mà còn "bào mòn", khiến các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học KHXHNV - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng cần có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch mở cửa trở lại. (Ảnh: Mạnh Quân).

Dẫn chứng về điều này, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học KHXHNV - ĐH Quốc gia Hà Nội kể lại chính trải nghiệm của bản thân khi gặp khó trong việc phải di chuyển từ Hà Nội ra các tỉnh thành.

"Tuần trước tôi đi công tác ở Quảng Ninh do phía tỉnh mời. Nhưng để đến được Quảng Ninh rất khó khăn, ra khỏi Hà Nội tôi phải khai báo y tế, đến Hải Phòng tôi lại khai báo bằng ứng dụng sức khỏe điện tử, nhưng đến Quảng Ninh lại khai báo bằng mẫu khác.

Đấy là ví dụ chứng tỏ sự không nhất quán về giấy tờ thủ tục. Nghị quyết 128 của Chính Phủ đã nêu rất rõ rồi nên tôi nghĩ các địa phương cần phải họp bàn để thống nhất các thủ tục đi lại", PGS.TS Phạm Hồng Long bình luận.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng thừa nhận hiện nay đang xảy ra tình trạng mỗi tỉnh có một quy định khác nhau. 

"Trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa các địa phương, trong bối cảnh hiện tại cũng chỉ có khái niệm giữa các vùng an toàn và vùng không an toàn. Dù hiện nay Chính phủ cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh nhưng nhiều tỉnh vẫn rất lo ngại.

Tôi mong là các địa phương sẽ nghĩ thoáng một chút để phát triển du lịch sớm trở lại.Với tốc độ tiêm vaccine khá nhanh như hiện tại, tại một số tỉnh thành, chúng ta có thể mở cửa du lịch tại những "vùng xanh", đón khách đã tiêm đủ liều vaccine, có xét nghiệm PCR âm tính - kể cả khách nội địa và quốc tế, chú trọng đến các du khách tới từ những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao", ông Bình nói.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, các quy định hiện nay đều nêu rõ không tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế phục hồi. (Ảnh: Mạnh Quân).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, hiện đã có hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương. Cụ thể, Nghị quyết 128 vừa ban hành, nêu rõ không tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp được phục hồi.

Ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch rất rõ.

Việc kiểm soát, có phải xét nghiệm hay không phải phù hợp với các cấp độ dịch và cho địa phương tự đánh giá chứ không phải bắt buộc.

Đồng thời trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động, liên tiếp đưa các văn bản hướng dẫn tạm thời cho việc đi lại kể cả đường bộ, đường sắt, đường không...

Việc sớm mở cửa lại du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động bình thường. (Ảnh: Hữu Nghị)

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả trong các hoạt động văn hóa, du lịch.

Không chỉ Việt Nam mà hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã dần chuyển từ phương án chống dịch bằng biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt sang chấp nhận sống chung với Covid-19 và mở cửa lại nền kinh tế.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đã quyết định sớm gỡ bỏ hạn chế, cho phép cả các hình thức kinh doanh được xem là "rủi ro cao" hoạt động trở lại, dù vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 lớn mỗi ngày.

PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, chúng ta có thể tham khảo cách làm của Thái Lan khi mở cửa du lịch. 

Cụ thể, với mô hình "Sandbox", Thái Lan cho phép du khách ở các quốc gia "vùng xanh" có thể vào Phuket. Nếu hết 14 ngày ở Phuket, du khách còn có thể đến các vùng khác của quốc gia này. 

Bắt đầu từ 1/11 tới đây, Thái Lan còn cho phép 15 tỉnh, bao gồm cả thành phố Bangkok mở cửa đón khách du lịch.

Ngoài ra, theo ông Long, chúng ta cũng có thể tham khảo thêm các mô hình "hộ chiếu vaccine" hay giấy "thông hành vaccine" mà các nước Châu Âu đang làm.

"Trong thời gian tới đây, tôi hy sẽ có sự nhất quán từ trên xuống dưới để du lịch ở Việt Nam sẽ dần được phục hồi. Hiện nay nguồn lực lao động trong ngành du lịch cũng đang "chảy máu" quá nhiều, do không có việc làm nên họ phải tạm dừng hoặc chuyển đổi công việc. Vì vậy, tôi nghĩ nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ nhân lực của doanh nghiệp khi mở cửa trở lại", ông Long đúc kết. 

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có sự chuyển mình, có các sản phẩm, hành động cụ thể phù hợp với bối cảnh mới. Việc kích cầu sau đại dịch sẽ không phải là những "cơn bão" giảm giá mà du khách sẽ đòi hỏi, yêu cầu yếu tố an toàn lên hàng đầu.

"Hiện nay người đi du lịch không chỉ mong chờ vào việc giảm giá mà vấn đề là họ đi có an toàn không, có được hưởng thụ giá trị dịch vụ phù hợp tiêu chí mới không, tìm hiểu văn hóa mới, sản phẩm mới như thế nào? Khái niệm kích cầu của giai đoạn này đã khác trước rất nhiều. Chúng ta phải có những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, quan tâm đến sự an toàn dành cho khách", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh. 

Nguồn tin: https://dantri.com.vn/du-lich/mo-cua-du-lich-tranh-tinh-trang-nay-mo-mai-lai-dong-20211021143809705.htm?fbclid=IwAR33E0jybTAilHvKHfMROvMk7l21gq56OecasZMLPOYh44SJjsTQFPbGOKE

Nguồn tin: Báo Dân trí - Hà Trang - Thảo Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay814
  • Tháng hiện tại23,212
  • Tổng lượt truy cập1,227,418
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây