VIỆT NAM NÊN MỞ CỬA DU LỊCH QUỐC TẾ

Thứ ba - 21/09/2021 09:09
Mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam
Mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021, nếu cần, sẽ điều chỉnh thời gian thực hiện hợp lý, tùy vào tình hình thực tế. Đây được cho là "cú hích" để có thể kích hoạt nhiều hoạt động dịch vụ, mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. 

Phóng viên Tạp chí du lịch TP.HCM đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.


PV: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong nước và thế giới thì việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc có phải là nước đi mạo hiểm không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Hồng Long: Ngay từ cuối năm 2020, ngành Du lịch của nước ta cũng đã có những động thái chuẩn bị cho việc mở cửa đón tiếp khách du lịch theo các hình thức “hành lang du lịch” và “bong bóng du lịch” với một số điểm du lịch của Việt Nam và các nước có hành lang an toàn xanh. Tuy nhiên, do nhiều khâu chuẩn bị chưa đảm bảo cũng như diễn biến phức tạp của đại dịch, tiến trình này bị chậm lại. 

Ở thời điểm này, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc đã được tính toán kỹ và là một cam kết của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

 

Kế hoạch thí điểm này ra đời trong bối cảnh một số nước trong khu vực đã thực hiện kế hoạch tương tự như Thái Lan, Singapore, Maldives do vậy chúng ta có thể học được những bài học kinh nghiệm từ chính các quốc gia đi trước, đặc biệt là từ chương trình Phuket Sandbox hay Samui Plus của Thái Lan.

Hơn thế nữa, kế hoạch thí điểm này cũng bao gồm điều kiện đảm bảo như trước chuyến bay, du khách phải có giấy chứng nhận tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 (không quá 12 tháng từ thời gian xuất viện đến khi nhập cảnh). Ngoài ra, du khách cần có giấy xác nhận âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh. Trẻ em dưới 12 tuổi phải đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ có đầy đủ các loại giấy tờ trên.

Trước khi nhập cảnh, du khách phải cài đặt và khai báo y tế qua ứng dụng hiện hành như Du lịch Việt Nam an toàn, Healthy Vietnam, VHD... rồi sử dụng mã QR để xuất trình. Để đến Phú Quốc, du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và tỉnh Kiên Giang lựa chọn.


Nhìn sang Thái Lan, kể từ khi chương trình Hộp cát Phuket được bắt đầu ngày 1/7 tới nay, mới chỉ có khoảng 28.000 du khách tới hòn đảo này, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng ban đầu. Vậy chúng ta có nên đặt nhiều kì vọng vào chương trình thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc không, thưa ông?

Đúng là theo chương trình Hộp cát Phuket (Phuket Sandbox) thì từ ngày 1/7 đến ngày 3/9/2021 chỉ có 27.609 khách quốc tế đến Phuket. Con số này thấp hơn kỳ vọng ban đầu của ngành du lịch Thái Lan rất nhiều. Tuy nhiên, với kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng, ngành Du lịch Việt Nam cũng có những tính toán rất cụ thể về số lượng khách dự kiến. 

Theo kế hoạch này trong 3 tháng đầu, Phú Quốc dự kiến đón từ 2.000 - 3.000 khách/tháng thông qua các chuyến bay thuê. Từ tháng thứ 4, dự tính đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. 

Bộ VH-TT-DL dự kiến đón từ 25.000 đến 40.000 khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng thí điểm. Thị trường khách du lịch quốc tế dự kiến được lựa chọn trong giai đoạn này sẽ đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc...

Phuket là điểm đến rất nổi tiếng trên thế giới, đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Đây cũng là địa điểm đầu tiên mở cửa trong khu vực nên không bị cạnh tranh bởi các điểm đến khác. Việc thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc là bước đi vô cùng cần thiết để phá băng ngành du lịch nhưng chúng ta cũng không nên đặt những kỳ vọng quá lớn mà xem đây là phép thử để từng bước mở cửa du lịch quốc tế.

 
 

Để kế hoạch thí điểm này thực sự an toàn và hiệu quả, theo ông chúng ta cần chuẩn bị những gì?

Để thực hiện việc đón tiếp thực sự an toàn và hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành liên quan, cũng như với địa phương và doanh nghiệp liên quan trong việc đưa ra các chính sách và biện pháp thực thi. Điều này cũng đã được Văn phòng Chính phủ đưa ra những ý kiến chỉ đạo trong văn bản Số: 6345/VPCP-KGVX ngày 10 tháng 9 năm 2021 về Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang. Tuy nhiên, có thể trên thực tế chúng ta sẽ gặp những tình huống phức tạp hơn.

Ví dụ ở góc độ doanh nghiệp, rất cần sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc doanh nghiệp nào sẽ được tổ chức đón tiếp khách và sẽ khai thác cụ thể khách đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ nào? Làm thế nào để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp khách dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, và test PCR âm tính, nhưng khi vào vẫn có thể làm lây nhiễm, hay khách trốn khỏi Phú Quốc đi các vùng khác khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm hay lại dồn trách nhiệm hết lên vai của doanh nghiệp nhận khách? 

Những vấn đề này phải được giải quyết thấu đáo thì các doanh nghiệp tham gia đón tiếp khách mới yên tâm hoạt động trở lại.

 

Với tỉ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ngày càng nhiều, trong đó nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi, tại sao chúng ta không thí điểm cho cả khách nội địa có “hộ chiếu vaccine” du lịch đến Phú Quốc trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế?

Ở Thái Lan, sau hơn 2 tháng thực hiện chương trình Phuket Sandbox, tới ngày 8 tháng 9 vừa rồi Thái Lan mới cho khách nội địa (đã tiêm đủ 2 liều vaccine và xét nghiệm âm tính có kết quả trong vòng 72h) tới thăm Phuket. Đây là cách làm thể hiện sự thận trọng của ngành du lịch Thái Lan trong việc khôi phục cả 2 thị trường du lịch quốc tế và nội địa. 

Chúng ta nên học tập mô hình của họ vì ở thời điểm này việc tiêm phòng vaccine diện rộng của Việt Nam còn chưa nhiều, diễn biến dịch bệnh ở nhiều tỉnh của Việt Nam còn phức tạp. Hơn thế nữa, khách du lịch nội địa có nhu cầu đi du lịch đại chúng nhiều và việc quản lý do vậy sẽ đòi hỏi nhiều thủ tục và tình huống phát sinh hơn. 

Nếu cùng lúc thí điểm đón cả khách quốc tế và khách nội địa sẽ gây ra một sức ép rất lớn cho công tác bảo đảm về chất lượng dịch vụ cũng như an ninh an toàn của du khách. Có thể trong thời gian tới, khi việc tiêm phòng vaccine được triển khai rộng rãi hơn, đồng thời đại dịch được khống chế, lúc đó chúng ta sẽ mở lại cho thị trường khách nội địa.

 

Covid-19 khiến ngành kinh tế xanh “đóng băng”, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành tạm đóng cửa, hàng trăm công ty lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh để lấy lại tiền ký quỹ, các khách sạn rao bán hàng loạt. Nhân lực du lịch chật vật xoay xở duy trì cuộc sống. Ngoài những tác động tiêu cực này thì Covid-19 mang lại cho ngành du lịch Việt Nam những bài học gì để thích ứng trong giai đoạn mới?

Đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều bài học sâu sắc và chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm để có thể dần thích nghi với tình trạng “bình thường mới”. Với bối cảnh Việt Nam thì các bài học sau đây cần được lưu tâm:

Trước hết, ngành du lịch cần trang bị các kiến thức về quản trị khủng hoảng và xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng. Đây rõ ràng là lĩnh vực xưa nay chưa được chú trọng nhiều. Khi đại dịch xảy ra, chúng ta còn có nhiều lúng túng trong việc quản trị khủng hoảng và thiếu nguồn ngân quỹ cho xử lý đại dịch. 

Bài học tiếp theo là không nên quá phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm. Trước đây, chúng ta làm du lịch thường chỉ chú trọng vào một số thị trường (ví dụ thị trường du lịch quốc tế) hoặc là một sản phẩm và không có sự đa dạng. 


Người khổng lồ cũng phải “đi bằng hai chân”, chú trọng cả thị trường quốc tế lẫn nội địa. Nếu vẫn cứ đi bằng một chân khi gặp những bất trắc hay khó khăn như đợt dịch bệnh này thì doanh nghiệp gần như không thể chuyển đổi sang mô hình mới ngay lập tức. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp phá sản và gần như đóng băng toàn bộ hoạt động khi không đón được khách quốc tế.

Đại dịch cũng cho chúng ta thấy cần phải liên kết và hợp tác trong khủng hoảng. Liên kết và hợp tác luôn là một yếu tố quan trọng cho một ngành kinh tế tổng hợp như du lịch, nhưng chưa bao giờ bài học về liên kết và hợp tác lại được các bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nhìn nhận nghiêm túc như trong thời gian khủng hoảng bởi đại dịch. 

Bên cạnh đó là những bài học về sự linh hoạt trong giải quyết khủng hoảng, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, hay làm thế nào để phát triển du lịch bền vững trong đại dịch, bài học về xây dựng sáng tạo những sản phẩm dịch vụ... 

Những bài học này cũng chính là những cơ hội để chúng ta “làm mới” và “sống động” lại ngành du lịch Việt Nam.
 

Trong bối cảnh thế giới đã xác định “sống chung với Covid” lâu dài, hướng đi nào cho du lịch Việt Nam để sớm phục hồi và phát triển cạnh tranh với các nước trong khu vực?

Ở một góc độ nào đó, thì đại dịch Covid-19 đưa du lịch của nhiều nước trở về cùng một xuất phát điểm, đặc biệt với thị trường khách du lịch quốc tế. Việc “mở cửa thông thương” sớm trở lại là một lợi thế cho đón đầu dòng khách du lịch quốc tế. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện được khi điều kiện phòng chống dịch được đảm bảo.

Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Đây sẽ là giải pháp “nền tảng” để giúp cho việc mở lại các hoạt động du lịch, kể cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Những nhân sự chủ chốt ngành du lịch cần được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Những nhân sự này bao gồm nhân viên dịch vụ vận chuyển (cả đường bộ và hàng không), hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhà hàng, những cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch..., Đây là những người trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc với du khách nên sẽ chịu nhiều nguy cơ rủi ro cao. 

Bên cạnh đó, cần chú trọng những chính sách để dần khai thác trở lại thị trường khách quốc tế đến (inbound), mở cửa với các thị trường “vùng xanh về phòng chống dịch Covid-19”. Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta không thể phát triển kinh tế nếu đóng cửa hoàn toàn với các quốc gia khác và trì hoãn du lịch quốc tế. 


Các hiệp hội và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ cũng cần liên kết để đổi mới sáng tạo các sản phẩm du lịch phù hợp trong và sau đại dịch. Ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và liên kết hợp tác với nhau chặt chẽ thay vì tự thân, biệt lập để rồi dễ bị cô lập và phá sản.

Về phía cơ quan quản lý, cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về thuế, phí, thủ tục, trợ cấp cho các các doanh nghiệp du lịch (đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành có vai trò là cầu nối giữa cung và cầu du lịch). Đồng thời hỗ trợ thu nhập để giữ chân người lao động, tránh khủng hoảng nguồn nhân lực sau đại dịch. Vừa qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan tới việc giảm tiền ký quỹ lữ hành, hay chính sách hỗ trợ lao động du lịch. Nhưng có lẽ cần thêm những "liều thuốc" như vậy để tạo cho doanh nghiệp cũng như người lao động yên tâm trụ lại với nghề.

 

Việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số cần được triển khai một cách mạnh mẽ để nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ cho du khách, tiết kiệm chi phí vận hành của doanh nghiệp, cũng như xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu đồng bộ cho ngành du lịch phục vụ cho các mục đích nghiên cứu cũng như việc hoạch định chính sách một cách phù hợp và có hiệu quả hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp đảm bảo an toàn cho du khách và người dân sinh sống tại điểm đến, cũng như giúp chính phủ có khả năng kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ, hiệu quả khi Việt Nam mở cửa cho du khách quốc tế. 

Để chuẩn bị cho việc “mở cửa thông thương” trở lại, việc truyền thông quảng bá cần phải được đầu tư một cách bài bản chuyên nghiệp hơn và hướng tới truyền thông ở trên nhiều các kênh, diễn đàn thông tin khác nhau, trong và ngoài nước. 

Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi rất thú vị này!
 

 

 

Nguồn tin: Bùi Trung Dũng - Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay1,194
  • Tháng hiện tại33,613
  • Tổng lượt truy cập1,282,958
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây