Năm 2020 là năm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020). Ngay từ khi thành lập, bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm được định hình và không ngừng được rèn luyện, nâng cao qua các chặng đường cách mạng. Nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà 90 năm qua, Đảng đã vượt qua những khó khăn, thách thức, lãnh đạo nhân dân ta giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa dân tộc và thời đại.
Ngày 3/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Người (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam.
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của nhân dân.
Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 2/9/1945 (năm nay chúng ta kỷ niệm tròn 75 năm).
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc" (năm nay chúng ta kỷ niệm tròn 45 năm).
Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Mới đây, được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, lần thứ hai trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.
Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tác giả: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tạp chí Cộng sản
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn