TS. Trịnh Lê Anh: Người Việt trẻ ở đâu trong các 'giao diện' thể hiện mình?

Thứ sáu - 03/02/2023 19:25
TS. Trịnh Lê Anh (Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người trẻ bây giờ thông minh và sắc sảo hơn trước. Nhưng dường như cái thông minh ấy chưa được đặt đúng chỗ…
TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, người trẻ Việt được thụ hưởng những giá trị tích cực của toàn cầu hoá trong 2 thập kỷ qua cũng có những phẩm chất "thời đại". (Ảnh: NVCC)
TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, người trẻ Việt được thụ hưởng những giá trị tích cực của toàn cầu hoá trong 2 thập kỷ qua cũng có những phẩm chất "thời đại". (Ảnh: NVCC)

    TS. Trịnh Lê Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời còn được biết đến là một MC nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam. Với tài năng, lối dẫn dắt thông minh, duyên dáng cùng học vấn khủng là tấm bằng Thạc sĩ Du lịch tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tiến sỹ Quản lý Văn hoá tại Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cái tên Trịnh Lê Anh luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả toàn quốc là một MC đa tài. Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với Báo Quốc tế, thầy đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề: " Người Việt trẻ ở đâu trong các "giao diện" thể hiện mình?".
     Những phẩm chất thời đại của người trẻ
     Là một giảng viên, được thường xuyên tiếp xúc với người trẻ, sinh viên, anh cảm nhận thế nào về sự đổi thay, chuyển động không ngừng cũng như kiến thức, kỹ năng của các bạn trẻ hiện nay?
     Sự đổi thay, chuyển động không ngừng của các bạn trẻ người Việt trong vòng hai mươi năm qua, kèm theo đó, những kiến thức và kỹ năng của các bạn đã thay đổi như thế nào có thể được nhận xét thông qua góc nhìn "toàn cầu hóa".  
     Tôi nhớ năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, 25 năm sau khi Việt Nam được thống nhất năm 1975. Khi nói đến "toàn cầu hóa", ông khẳng định rằng "Xu hướng toàn cầu hóa không phải là một thứ mà chúng ta có thể ngăn cản hoặc loại trừ được. Chúng ta có thể nỗ lực để tối đa hóa cái lợi của nó và giảm thiểu những rủi ro, nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước xu hướng này và nó cũng sẽ không tự biến mất”.
     Về xã hội, toàn cầu hoá cho phép mở rộng cơ hội giao lưu, học tập, tiếp cận và tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến… giữa các vùng dân cư trên thế giới.  
     Về văn hoá, có thể nói, toàn cầu hoá đã tác động khá toàn diện đến mọi phương diện của đời sống & tinh thần dân tộc; cho phép người dân ở mỗi quốc gia tiếp xúc với phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, nét đặc trưng tác thành bản sắc dân tộc. Sự tiếp xúc, giao lưu văn hoá đó làm giảm dần những khác biệt, tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau. Lối sống cũng nhờ đó phong phú, đa dạng và cởi mở hơn.
     Lối sống của người Việt trẻ hiện nay không còn bó hẹp trong sinh hoạt, giao tiếp gia đình, dòng tộc, làng, xóm; được mở rộng theo nhu cầu văn hoá với các địa điểm mới, biên độ địa lý đến liên tỉnh, quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Tầm nhìn, tư duy cũng được khai mở. Họ năng động hơn, tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội, chia sẻ và lan tỏa yêu thương; biết sống có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc; biết nhìn ra thế giới.
     Như thế, người trẻ Việt được thụ hưởng những giá trị tích cực của toàn cầu hoá trong 2 thập kỷ qua cũng có những phẩm chất "thời đại". Cụ thể, sự hiểu biết đa dạng, sự tiếp nhận, tiếp thu linh hoạt, cởi mở và dễ dàng, ngoại ngữ trở thành sinh ngữ công cụ phổ cập, kỹ năng số ở trình độ cao cho phép người trẻ có nhiều "giao diện" trong thể hiện mình và tương tác với thế giới, đặc biệt là giao diện "ảo" trên không gian mạng.  
     Tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng mang lại nhiều hệ quả tiêu cực như sự hòa tan về văn hóa… Xu hướng - hiện tượng tất yếu của xã hội loài người này mang lại cả sự khai phóng, làm mới nhưng cũng gây ra sự xóa mờ, thậm chí thay đổi bản sắc dân tộc. Như vậy, một cách khó tránh khỏi, tư duy, tinh thần, lối sống, phong cách dân tộc thông qua người Việt trẻ cũng được nhận diện một cách định tính và nhiều cảm xúc là loãng, mờ, nhạt, yếu.
     Đó là những nhận định chung về tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt trẻ theo hướng tiêu cực. Quan niệm sống của giới trẻ được khai phóng quá đà khiến một bộ phận trở nên phóng túng, coi nhẹ tình thân, xem thường giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Đó là điều đáng tiếc.  
     Nhiều “giao diện” thể hiện mình
     Thế giới chúng ta đang sống đầy biến động, thay đổi khó lường. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn sự thay đổi lối sống đã dẫn đến những thay đổi tiêu cực nào trong "giao diện" của các bạn trẻ - sinh viên Việt Nam hiện tại?  
     Là giảng viên, tôi cũng đang ngày một củng cố nhận định: Học trò bây giờ thông minh và sắc sảo hơn học trò ngày trước. Nhưng dường như cái thông minh ấy chưa được đặt đúng chỗ.  
     Người Việt trẻ ở mặt bằng chung dường như thiếu sự chuyên sâu về kiến thức chuyên ngành, chuyên nghiệp; yếu trong việc thể hiện thái độ và kỹ năng vượt thách thức, bền bỉ, kiên trì và sự tập trung cao độ để giành được các mục tiêu. Có lẽ do có quá nhiều lựa chọn nên họ dễ bị phân tán.  
    Các bạn biết nhiều thứ, nhưng kỹ năng mềm chưa tốt, làm việc nhóm gặp nhiều khó khăn, cái tôi quá lớn, thiếu nhường nhịn và nghĩ cho người khác. Các bạn hay mắc lỗi nhưng lại thường tự "cho qua", thoả hiệp và tự bằng lòng với những yếu kém, khuyết điểm, kể cả lỗi lầm của mình.

Tầm nhìn, tư duy của người trẻ thời nay được khai mở, năng động hơn, tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội, chia sẻ và lan tỏa yêu thương. (Ảnh: NVCC)
Tầm nhìn, tư duy của người trẻ thời nay được khai mở, năng động hơn, tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội, chia sẻ và lan tỏa yêu thương. (Ảnh: NVCC)

    Xác định nguyên nhân sẽ giúp chúng ta nhìn nhận sâu hơn hiện trạng. Một số bàn luận trên các diễn đàn cho rằng: Lợi ích cá nhân, xem nhẹ đạo đức, trào lưu sống ảo, bạo lực gia tăng là các nguyên nhân căn bản. Nhưng cũng là những biểu hiện cụ thể hơn của hiện trạng tiêu cực đa chiều trong thể hiện sống của người Việt trẻ dưới tác động của toàn cầu hoá.  
    Có lẽ, chưa bao giờ giới trẻ lại quan tâm nhiều đến vấn đề lợi ích bản thân như giai đoạn hiện nay. Tiền tài, vật chất được xem như quan trọng nhất để đánh giá một con người. Các bạn trẻ đơn giản hóa tiêu chí chọn ngành, nghề học là tương lai được đảm bảo bằng giàu có hoặc quyền lực chứ không phải học để phục vụ đất nước. Phần lớn bạn trẻ ra trường, có tấm bằng chỉ muốn nhanh chóng… làm kinh tế.
    Để hưởng ứng cái “mới”, “hiện đại”, “trending", một bộ phận người trẻ đã quay lưng lại giá trị truyền thống. Họ chê bai những phong tục, tập quán; từ chối thực hành thói quen thưa gửi, chào hỏi vì cho là phức tạp, rườm rà, lạc hậu. Lối sống thực dụng, phóng túng khiến một số ít người trẻ tuổi Việt xem nhẹ đạo đức, dễ sa vào các tệ nạn xã hội.  
    Đồng thời, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang chìm vào trào lưu sống ảo, bạo lực ngôn từ trên không gian mạng ngày càng đáng báo động. Trong khi đó, một số ít bạn trẻ đang có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc bằng bạo lực. Giáo dục của nhà trường, của gia đình tỏ ra bó tay trước “bài toán thời đại” này. Phần lớn giới trẻ không được trang bị đầy đủ kỹ năng sống để biết chọn lọc, học tập và hướng tới chân, thiện, mỹ.    
    Để không bị “đồng hóa”…
    Vậy người Việt trẻ cần làm gì để không bị “đồng hóa” trong thời đại số, theo anh?

    Bây giờ đang là thời đại số, thông tin có ở mọi nơi và từ đó, mọi cơ hội đều bày ra ngay trước mắt nhưng quan trọng là khả năng nắm bắt của mỗi người. Sự cạnh tranh đương nhiên đã khốc liệt hơn thế hệ trước. Người trẻ nếu không muốn bị "đồng hoá" hàng loạt với một format sống giống nhau, nếu muốn có một phiên bản khác đặc sắc hơn của chính mình thì phải có những điều mà người khác không có.  
      Đó có thể coi là lợi thế so sánh, hay là USP (Lợi điểm bán hàng độc nhất - Unique Selling Point - trong ngôn ngữ marketing) cho việc xây dựng "nhân hiệu" - một vấn đề mà thế hệ trước chưa từng đặt ra ở quy mô đại trà.  
      Ví dụ, khi chúng tôi làm chương trình truyền hình nhiều tâm huyết "Giai điệu tự hào" có nhiều bạn trẻ nói rằng họ sẽ không xem nó trong lựa chọn chung với Rock Việt hay Next stop model.  
     Tôi tự hào rằng, “Giai điệu tự hào” sẽ cho độc giả những thứ mà ở nơi khác không có khi họ ở trong cùng một độ tuổi. Có điều khán giả trẻ cần phải nghiêm túc trải nghiệm nó, cũng cần phải có một công phu khi tìm hiểu về nội dung của chương trình, thay vì chỉ dễ dàng thưởng thức ở bề mặt theo mục tiêu giải trí thuần tuý. Đó là thách thức và người trẻ dễ bỏ ngang khi thấy khó hiểu hay không dễ để yêu, để thích.
    "Con ngựa bất kham mới là con ngựa hay" và bạn sẽ có lợi ích khi bạn “kham” được nó. Tri thức cũng như vậy. Kiến thức và sự học luôn khiến con người ta chán nản khi phải cố gắng, nỗ lực liên tục. Đọc tin tức về người mẫu, hoa hậu, xem hài kịch, lướt tiktok... lúc nào cũng hấp dẫn hơn đọc bài báo về sức khỏe, xã luận hay đọc các kinh điển triết lý.  
    Trở lại với phát biểu sâu sắc của một chính khách quốc tế mà tôi trích dẫn cách đây hơn 20 năm về toàn cầu hóa. Vấn đề đặt ra hiện nay không phải là chống lại toàn cầu hóa mà thuận theo, hòa nhập trong dòng chảy toàn cầu hóa nhưng không thể hòa tan. 
    Gìn giữ, đề cao, phát huy những giá trị văn hóa người Việt, những giá trị làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, con người và đất nước Việt Nam phải là sứ mệnh của người Việt trẻ.
    Bởi rằng, chỉ khi ra với thế giới thực sự, người ta mới thấm thía giá trị của bản thân nằm ở đâu, đó là cái gốc dân tộc bền chắc của mỗi người kết hợp với tinh thần công dân toàn cầu và năng lực hội nhập kèm tự sàng lọc tối đa.    
    Xin cảm ơn TS!

Nguồn tin: TS. Trịnh Lê Anh: Người Việt trẻ ở đâu trong các 'giao diện' thể hiện mình? - Báo quốc tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay214
  • Tháng hiện tại53,627
  • Tổng lượt truy cập712,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây