Du lịch 2021: Không đóng cửa hoàn toàn, xây dựng các “hành lang” du lịch

Thứ bảy - 06/03/2021 09:13

Du lịch “hắt hơi” thì một loạt ngành khác “sổ mũi”. Do vậy, vấn đề trước tiên là ngành Du lịch cần làm tốt công tác chống dịch. Tiếp đến là xây dựng các “hành lang” du lịch với các quốc gia phù hợp, không nên đóng cửa hoàn toàn - PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch Việt Nam. Con đường nào để phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh?

Một câu nói vui nhưng phản ánh hoàn toàn đúng thực tế mà những người làm du lịch thường hay nhắc, đó là du lịch “hắt hơi” thì một loạt ngành khác “sổ mũi”, từ giao thông vận tải - hàng không, thương mại, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp… Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất và là mối quan tâm lớn nhất là khi nào thì dịch sẽ dừng lại và du lịch hồi phục. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều dự báo được đưa ra, thậm chí ngay cả Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra các phương án, kịch bản phục hồi du lịch, như trong 6 tháng, 9 tháng, hay trong 1 năm (tức là cuối năm 2020) sẽ mở lại thông thương giữa các nước, cả đường bay thương mại và du lịch… nhưng tất cả đều bị phá sản.

Cá nhân tôi cho rằng, để phục hồi lại du lịch giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ, có các phương án sau:

Thứ nhất là thế giới sẽ có vắc xin phòng bệnh Covid-19 (không phải loại vắc xin một nước công nhận) mà phải được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Công dân khi đã tiêm thuốc này có thể đi lại từ nước này sang nước kia. Đây là phương án đầu tiên.

Thứ hai là chấp nhận và coi đại dịch Covid như “cúm mùa” thông thường và phòng dịch cộng đồng. Tuy nhiên, khả năng này rất khó được chấp nhận.

Thứ ba, trên thế giới sử dụng thuật ngữ “bong bóng du lịch” hay “hành lang du lịch” để nói về sự an toàn giữa hai quốc gia, giữa một số quốc gia/vùng lãnh thổ có mối liên kết và cam kết gửi khách đến - đi an toàn. Một số nước đã triển khai như NewZealand, Australia, Anh, Đức, Áo…Việt Nam cũng có thể thực hiện với một số quốc gia/ vùng lãnh thổ làm tốt công tác khống chế dịch, ví dụ như Đài Loan, đây cũng là thị trường được Du lịch Việt Nam khá chú trọng.

Du lịch Việt Nam cũng đã từng có những giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như dịch Sars (năm 2003), Mers (năm 2012). Ông có thể cho biết những thách thức mà ngành đang đối mặt bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh lần này?

Một là thiếu tính liên kết, khi xảy ra dịch mới bộc lộ rõ, gần đây các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển mới liên kết lại xây dựng sản phẩm rồi cùng nhau bán, chia sẻ lợi nhuận, hoặc liên kết các địa phương tạo thành chuỗi các điểm đến đặc sắc nhất, di chuyển thuận tiện nhất và giá cả thấp nhất có thể. Điều này lẽ ra cần phải làm từ rất lâu rồi.

Hai là nguồn lực dự phòng của du lịch quá yếu, rõ ràng du lịch được xác định là một ngành kinh tế quan trọng và thực tế là có sự bứt phá rất mạnh mẽ thời gian qua, nhưng nguồn quỹ dự phòng cho những rủi ro, sự cố, thiên tai là gần như bằng 0; Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoạt động được do vướng nhiều vấn đề.

Ba là sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, mới tập trung chủ yếu vào 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên và du lịch đô thị. Đại dịch cho thấy cần có bước chuyển hóa mạnh mẽ về việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu du lịch theo xu hướng hiện nay.

3-2

Theo ông du lịch Việt Nam nên tập trung vào dòng sản phẩm nào để vừa phục hồi nhanh, vừa có thể phát huy thế mạnh?

Trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về sản phẩm du lịch cho thấy, sản phẩm tại điểm dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ sẵn có tại chỗ, thế nhưng nó là cái vốn có, cần phải đầu tư xây dựng biến nó thành sản phẩm du lịch có khả năng khai thác và có sức hấp dẫn. Đại dịch Covid làm cho người làm du lịch quá tập trung đến kích cầu thị trường nội địa mà gần như xem nhẹ việc làm thế nào để có sản phẩm hấp dẫn khách, mà sản phẩm phải đặc biệt, tác động đến tất cả giác quan của con người.

Giá tour rẻ để kích cầu là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải có sản phẩm chất lượng tốt, đa dạng và hấp dẫn thực sự.

Xu hướng sau đại dịch du khách sẽ đi các chuyến đi ngắn ngày thay cho kỳ nghỉ dài, du lịch gần nhà hoặc tại địa phương (stay-cation) thay vì xa nhà, biệt lập thay cho đại chúng, do vậy du khách sẽ tránh những điểm đến quá đông. Đồng thời cũng xuất hiện xu hướng đi gia đình, nhóm nhỏ, do đó phải nghĩ vấn đề đầu tiên là sản phẩm phù hợp với đối tượng khách.

Thời gian qua, loại hình du lịch sức khỏe “lên ngôi”, như thiền, yoga, thể dục dưỡng sinh, tắm khoáng, tắm bùn, spa, trị liệu làm đẹp, trải nghiệm ẩm thực, thức ăn dinh dưỡng. Nhu cầu của du khách lớn nhưng khâu quảng bá còn yếu nên người dân còn ít biết tới. Khách đi nhóm gia đình thường có khả năng chi tiêu rất lớn, chúng ta cần phải biết khai thác yếu tố này.

Dòng sản phẩm nữa liên quan đến thiên nhiên, sinh thái, vì sau dịch người ta hướng đến sự biệt lập thay vì đám đông, đi đến những vùng hẻo lánh hoặc ít người, đó là du lịch tự nhiên.

Một dòng sản phẩm khác liên quan đến “kinh tế đêm”, có thể là khám phá, trải nghiệm điểm đến có tính độc đáo, mới lạ vào ban đêm mà gần đây một số địa phương đã làm, rồi ẩm thực. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này phù hợp với giới trẻ nhiều hơn.

Cũng cần nhấn mạnh Việt Nam có thế mạnh biển đảo với 28 tỉnh, thành phố có biển, hơn 3.000 hòn đảo thì không thể không chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch biển - đảo, đây cũng là xu hướng tương đối biệt lập và phù hợp với nhiều đối tượng du khách…

Ngoài ra, ở vào thời đại 4.0, không thể không nhắc tới việc chuyển đổi số để xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin - truyền thông để phát triển các công cụ sáng tạo mang đến sự tương tác, kết nối cao và nhanh trong hoạt động du lịch.

3-4

Trước những biến động năm 2020, ông dự báo thế nào về xu hướng phát triển du lịch năm 2021?

Ngay từ khi đại dịch xảy ra với quy mô toàn cầu, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã dự báo 3 kịch bản phục hồi trong năm 2020 nhưng đều bị “phá sản”. Gần đây, Tổ chức Du lịch Thế giới đã đưa ra những kịch bản phục hồi theo 3 viễn cảnh 2,5 năm, 3 năm và 4 năm. Như vậy, có thể nói, du lịch quốc tế gần như khó có thể phục hồi trong năm 2021, có lẽ các quốc gia sẽ chủ yếu phải khai thác du lịch nội địa.

Để khôi phục du lịch quốc tế mạnh mẽ hơn thì phải có một loại vắc xin được công nhận rộng rãi, khi phòng chống được dịch bệnh rồi thì việc đi lại giữa các quốc gia sẽ đơn giản hơn. Một phương án khác là một vài quốc gia xây dựng hành lang, hay còn gọi là "bong bóng du lịch" với những chính sách riêng để trao đổi khách với nhau. Hoặc có những quốc gia sẽ công nhận dịch Covid-19 giống như một dạng cúm mùa để dần mở cửa biên giới, tuy nhiên điều này khó có khả năng xảy ra ở Việt Nam.

Vậy hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2021 là gì?

Trước tiên du lịch Việt Nam cần làm tốt công tác chống dịch, có như vậy du lịch mới có cơ sở để phát triển trở lại. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lao động trong ngành du lịch để giữ chân họ với nghề, nếu không nhân lực du lịch trong nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng khiến cho ngành du lịch rất khó phục hồi.

Việt Nam cũng cần tiến tới xây dựng các “hành lang” du lịch với các quốc gia phù hợp, chứ không nên đóng cửa hoàn toàn nữa. Nhiều nước mong muốn gửi khách đến Việt Nam, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng cần đón khách và nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt là rất lớn.

Quan trọng hơn, vì "người khổng lồ nào cũng phải đi bằng hai chân" nên trong tương lai, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam phải phát triển song song thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Với thị trường quốc tế, hiện nay trọng điểm là các nước Đông Bắc Á thì chúng ta phải mở rộng thêm những thị trường mới như Ấn Độ, Australia, Bắc Mỹ… Với thị trường nội địa cần có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, ngoài những cái vốn có thì phải xây dựng dịch vụ mới làm sao tác động vào tất cả các giác quan của du khách.

Xin chân thành cảm ơn!

Tác giả: Thu Hằng - Tạp chí doanh nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay1,258
  • Tháng hiện tại53,009
  • Tổng lượt truy cập711,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây