“Hộ chiếu vaccine” không phải là tấm giấy thông hành an toàn tuyệt đối

Thứ năm - 11/03/2021 12:18

(Tạp chí Du lịch) - Cùng với những nỗ lực trong sản xuất và triển khai tiêm vaccine phòng ngừa virus Covid-19, tín hiệu tích cực là hoạt động du lịch thế giới đang được khởi động lại sau “kỳ ngủ đông” dài nhất trong lịch sử - trong đó, “hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng như một giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thông thương giữa các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp cận như thế nào? Tạp chí điện tử Du lịch đã trao đổi với PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV (Đại học quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Với những tín hiệu tích cực từ triển khai tiêm vaccine phòng ngừa virus, hoạt động du lịch thế giới đang được “rục rịch” khởi động lại, nhiều nước đưa ra “hộ chiếu vaccine” nhằm thúc đẩy các hoạt động giao thương, du lịch…, tuy nhiên vấn đề này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ở góc độ nghiên cứu, ông nhìn nhận “hộ chiếu vaccine” như thế nào?

Năm ngoái (2020), khi một số phóng viên báo chí hỏi về tương lai nào cho du lịch Việt Nam và các nước trên thế giới mở cửa thông thương trở lại, khi đó, tôi đã nói một trong những khả năng là khi thế giới và Việt Nam có vaccine. Và bây giờ thì vaccine đã có và được triển khai tiêm phòng ở nhiều nước trên giới cũng như ở Việt Nam. Ngay lập tức, nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Mỹ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Israel, Trung Quốc, Thái Lan,...) có kế hoạch và cân nhắc ủng hộ việc ban hành “hộ chiếu vaccine” hoặc “giấy thông hành xanh” nhằm giúp thúc đẩy thông thương, cho phép người dân dịch chuyển – đi lại trong điều kiện “bình thường mới”. Tôi cho rằng, ý tưởng này hay nhưng không mới, và sẽ gây nhiều tranh cãi do tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Ở góc độ là khách du lịch, tôi đã từng sang một số nước Châu Phi và cũng đã từng phải tiêm vaccine phòng chống bệnh sốt vàng da (khi có giấy chứng nhận tiêm phòng mới được vào Châu Phi) thì tôi choa rằng, “hộ chiếu vaccine” có tính chất tương tự và tôi ủng hộ việc xem xét lưu hành hộ chiếu này để tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế dịch vụ du lịch ở một “quy mô cho phép”.

Tuynhiên, dưới lăng kính của nhà quản lý hay nghiên cứu du lịch, đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn thận trọng hơn về hộ chiếu này. Trước hết, chúng ta cũng phải khẳng định rằng “hộ chiếu vaccine” không phải là tấm giấy thông hành đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mọi du khách, điểm gửi khách và điểm đón khách du lịch. Hơn thế nữa “hộ chiếu vaccine” sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền tự do đi lại của du khách, cũng như kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người chưa có được “hộ chiếu vaccine” (mà số người này thực tế sẽ rất lớn, do điều kiện tiếp cận và ưu tiên tiêm phòng vaccine bị hạn chế) hay không có điều kiện tiêm phòng vaccine. Ngoài ra, còn có những e ngại khác liên quan đến sự bình đẳng trong phân bổ vaccine giữa các vùng, giữa các quốc gia, hay tính chất bảo mật và an toàn của “hộ chiếu vaccine”.

Với điều kiện Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng chúng ta sẽ không thể áp dụng “hộ chiếu vaccine” trên diện rộng cho tất cả các quốc gia, mà có thể cân nhắc cho phép áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở quy mô hẹp, với những thị trường du lịch quốc tế kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Và nếu làm theo cách này, thực tế cũng không khác nhiều so ý kiến mà tôi và nhiều học giả đã đề cập trước đây về thông thương “hành lang du lịch” hay “bong bóng du lịch” giữa 2 quốc gia hoặc một số quốc gia. Có chăng, sự khác biệt này nằm ở “hộ chiếu vaccine” có tính chất an toàn và đảm bảo cho việc đón tiếp khách hơn.   

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN)

Hiện một số quốc gia đã rút ngắn thời hạn cách ly đối với những du khách có chứng nhận đã tiêm vaccine, và chỉ triển khai đón khách đến những nơi biệt lập như resort cách biệt, du thuyền…, theo ông, liệu Du lịch Việt Nam có thể áp dụng cách làm này?

Tôi cho rằng việc áp dụng cách làm này là khả thi và nên khuyến khích do du khách thông thường đã có giấy chứng nhận âm tính với Covid, hơn thế nữa lại đã tiêm phòng vaccine phòng dịch, thì khả năng truyền nhiễm dịch bệnh là rất rất thấp.

Việt Nam với địa hình ba phần núi, bốn phần biển, một phần đồng bằng (tam sơn, tứ hải, nhất phần điền), bờ biển trải dài 3.260km bờ biển từ Bắc vào Nam, có lợi thế với nhiều khu nghỉ dưỡng (resort) cách biệt ở các vùng miền, những nơi có thể tổ chức nhiều loại hình, dịch vụ du lịch với tính chất nhóm nhỏ, biệt lập, đảm bảo ở mức độ an toàn phòng chống dịch cao nhất.

Chúng ta cũng phải tính đến xu hướng nghỉ dưỡng “dài ngày” cho các đối tượng khách này, vì họ thường là những tập khách có khả năng chi trả cao, có nhu cầu nghỉ dưỡng và mua sắm nhiều hơn là nhu cầu tham quan ở các điểm đến.

Ông có nhận xét gì về xu hướng du lịch nói chung trong bối cảnh thế giới đã xác định “sống chung với Covid” lâu dài?

Đại dịch Covid – 19 đã làm cho du lịch thế giới năm 2020 trở về thời điểm xuất phát cách đây 30 năm về lượng du khách quốc tế. Năm 2021 vẫn là một năm mà du lịch thế giới chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Hơn lúc nào hết, nhu cầu du lịch của người dân các quốc gia trở nên “bức thiết” và do vậy việc lựa chọn địa điểm, phương thức và loại hình du lịch sẽ được du khách quan tâm nhiều. Với bối cảnh “sống chung với Covid” trong “điều kiện bình thường mới” thì các xu hướng đã được đề cập đến từ năm 2020 chắc chắn sẽ còn được quan tâm trong thời gian dài:

1. Xu hướng du lịch nội địa – du lịch về nhà và du lịch tại chỗ (staycation): Những chuyến tham quan du lịch gắn liền với nghỉ ngơi ngắn ngày ở trong nước – “về nhà” và tại “quê hương” - xung quanh khu vực du khách sinh sống. Nếu như quê hương nơi mình sinh ra, có gia đình và bạn bè, thì “quê hương” trong chuyến du lịch “về nhà” sẽ là nơi khám phá những địa điểm du khách tưởng là quen nhưng còn chưa đi, để du khách lui tới mỗi khi muốn trở về, gặp gỡ những người mà sau đó du khách còn mong muốn gặp lại nhiều lần nữa. “Quê hương” luôn là “nơi lý tưởng” để trở về. Xu hướng du lịch này do vậy có tính bền vững cao.

2. Xu hướng du lịch xanh gắn với những địa điểm thiên nhiên biệt lập và văn hóa bản địa: Cho phép du khách thoát khỏi cuộc sống thực tại, được đắm mình vào thiên nhiên, tĩnh tại và cảm nhận dòng chảy của thời gian. Những trải nghiệm “tắm rừng”, thiên nhiên và cuộc sống đời thường của cư dân bản địa mang đến những phút giây chậm rãi tuyệt vời.

3. Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe: Các loại hình nghỉ dưỡng kết hợp thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, trị liệu bằng khoáng chất, spa-thẩm mỹ, trải nghiệm ẩm thực-thức ăn dinh dưỡng, ...cho phép du khách không chỉ phục hồi tái tạo sức lao động, mà còn giúp du khách thoải mái thư giãn, nuôi dưỡng tinh thần và làm đẹp thể chất. Đây cũng là xu hướng của những người coi trọng giá trị sức khỏe và tôn chỉ “sống chậm”.

4. Xu hướng du lịch thông minh và tiếp cận chuyển đổi số trong tiêu dùng du lịch: Du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển sáng tạo các công cụ kỹ thuật số mang đến sự tương tác kết nối cao và nhanh trong chuyển tải những nội dung, thông điệp, dịch vụ du lịch. Du khách thông qua nền tảng số có nhu cầu “tự lựa chọn” cho mình những dịch vụ và loại hình du lịch “đơn lẻ” thay cho “trọn gói”. Xu hướng này phù hợp với giới trẻ do khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và đặc tính thích khám phá, trải nghiệm dịch vụ đơn lẻ. Du lịch thông minh cho phép du khách tiếp cận đặt dịch vụ du lịch với phương thức hiện đại, nhưng không thể thay thế hoàn toàn các loại hình du lịch truyền thống giúp du khách có được trải nghiệm với đầy đủ các giác quan của con người.

5. Xu hướng “mở cửa” đón khách du lịch quốc tế với điều kiện đảm bảo xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19: Việc xét nghiệm Covid-19 âm tính cũng như tiêm vaccine phòng Covid-19 trước chuyến đi là một trong những đảm bảo tất yếu để du lịch các nước có thể thông thương lại. Các nước tiên phong trong xu hướng này sẽ có lợi thế về phát triển du lịch đón khách quốc tế đến (inbound), từ đó thúc đẩy phát triển không chỉ các du lịch mà còn các ngành kinh tế dịch vụ liên quan. Ở Đông Nam Á hiện nay, Thái Lan là quốc gia đang có kế hoạch dự kiến “mở cửa” đón khách du lịch quốc tế vào ngày 1 tháng 7 năm 2021.

6. Ngoài ra còn có các xu thế khác liên quan du lịch nhóm nhỏ, du lịch gia đình; đặt dịch vụ muộn; du lịch trái mùa vụ...

Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Hồng Long!

Tác giả: Viễn Nguyệt - Tạp chí du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay472
  • Tháng hiện tại34,684
  • Tổng lượt truy cập1,238,890
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây