Khoa Du lịch họchttps://fts.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fts/logo-fts.png
Thứ tư - 28/02/2024 17:57
Vào học kỳ mùa thu năm học 2023, mình đã có cơ hội trở thành một trong hai sinh viên đại diện cho Khoa Du lịch Học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đến tham gia chương trình học tập và trao đổi tại ngôi trường đại học này. Trong kỳ học này, mình đã có những trải nghiệm mới mẻ và thú vị về cuộc sống học đường và văn hóa, lối sống của đất nước Nhật Bản.
Giai đoạn khó khăn nhất để chuẩn bị cho học kì trao đổi này đó là trước khi sang Nhật. Học kỳ bắt đầu vào tháng 9 nhưng việc chuẩn bị hồ sơ đã bắt đầu từ tháng 3. Điều này là bởi theo học chương trình này thì mình sẽ phải ở lại Nhật trong một thời gian dài, mà để có thể lưu trú tại Nhật trong khoảng thời gian này thì bạn buộc phải có COE (Certificate of Eligibility) hay còn được gọi là tư cách lưu trú. Để xin được COE thì phải mất một thời gian khá lâu, do vậy mà trường Rikkyo mới yêu cầu làm hồ sơ sớm như vậy. Tuy nhiên việc xin COE sẽ là do phía bên trường lo liệu, khi nào COE được gửi về USSH thì chúng mình sẽ xin Visa.
Dưới đây là những trải nghiệm đáng nhớ của mình trong quãng thời gian ở Nhật cũng như là học tập tại Rikkyo. Mình đã học được nhiều điều mới mẻ và khám phá nhiều điều thú vị. 6 tháng tuy không dài nhưng cũng không quá ngắn để trải nghiệm. Mình thật sự rất lưu luyến Nhật Bản khi sắp phải rời xa nơi đây. Hy vọng trong tương lai mình sẽ có cơ hội quay lại Rikkyo, quay lại Nhật Bản để tiếp tục tìm hiểu về đất nước, con người nhiều hơn nữa.
Giai đoạn đầu khi tới Rikkyo
Khi đến Rikkyo, Văn phòng Quốc tế sẽ hẹn ngày phát thẻ sinh viên và thẻ giảm giá vé tàu cho các sinh viên quốc tế. Mọi người sẽ nhận được mã số sinh viên và mật khẩu đăng nhập. Mật khẩu này sẽ sử dụng để đăng nhập vào mọi hệ thống kiểm mà Rikkyo kiểm soát như wifi, máy tính, tài liệu học tập,... Mật khẩu này cũng có thể được thay đổi theo ý muốn của bản thân
Đặt chân đến Rikkyo, điều khiến mình ấn tượng đó là khuôn viên trường cực kỳ rộng và thoáng đãng. Sân trường được bao phủ bởi những bãi cỏ xanh rờn cùng với những cây xanh rợp bóng. Sinh viên rất hay “nằm” trên những bãi cỏ này để sưởi ấm, để học bài hay cũng có thể là tán gẫu.
Đăng ký học
Khi đăng ký học, trường sẽ gửi một danh sách các môn học trong học kì đó, bao gồm tên môn học, mã học phần, tên giảng viên, hình thức học và ngôn ngữ giảng dạy của môn học. Sau đó là một sheet để các bạn đăng kí môn học. Số giờ học tối thiểu là 10 tiết học 1 tuần, tương đương với 6 môn học. Dù chúng mình thuộc Khoa Du lịch nhưng chúng mình hoàn toàn có thể đăng ký những môn học khác ngoài phạm vi của Khoa. Đối với những môn học bằng Tiếng Nhật thì sẽ yêu cầu trình độ nhất định. Ngoài ra, nếu đủ khả năng có thể học bằng những ngôn ngữ khác ngoài Tiếng Anh và Tiếng Nhật như Tiếng Pháp, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Đức, Tiếng Trung, Tiếng Hàn. Tuy vậy, cách đăng kí học của Rikkyo có đôi chút khó khăn đối với mình. Mình đã gửi Email cho Văn phòng Quốc tế và các thầy cô ở văn phòng đã hỗ trợ mình rất nhiệt tình. Cũng như ở Việt Nam, mình có thể thay đổi môn học trong tuần học đầu tiên. Mình cũng có thể hủy môn hay đăng kí môn học khác cho phù hợp với lịch trình của bản thân.
Cơ hội giao lưu, kết bạn
* Buddy Group
Mình có đăng ký tham gia Buddy Group. Mình sẽ được xếp vào một nhóm gồm các sinh viên Nhật bản và các sinh viên Quốc tế khác. Mọi người sẽ có cơ hội kết bạn và nếu cần giúp đỡ, các sinh viên Nhật Bản sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Trước khi bắt đầu học kỳ mới, Buddy Group của mình đã cùng nhau đi chơi. Chúng mình đã có khoảng thời gian rất vui vẻ.
* Welcome Lunch
Văn phòng Quốc tế đã tạo những cơ hội để sinh viên quốc tế có thể gặp gỡ. Chúng mình đã có “Welcome Lunch” - nơi các sinh viên có thể trò chuyện, làm quen và dùng bữa trưa cùng nhau.
Các môn học mình đã học tại Rikkyo
Trong học kỳ này, mình đã đăng ký 6 môn học: Japanese Ethnology, Japanese Arts A, Japanese Arts B, Japanese Management, Humanities Lecture và Introduction to Tourism.
Japanese Ethnology được phụ trách bởi thầy Maetakenishi, một giáo viên người Nhật. Trong buổi học đầu tiên chúng mình đã chia nhóm, thầy yêu cầu mỗi nhóm phải bao gồm cả sinh viên quốc tế và sinh viên Nhật Bản. Sau đó là đặt tên nhóm. Nhóm mình gồm 5 người, bao gồm mình, 2 bạn sinh viên người Trung Quốc và 2 bạn sinh viên người Nhật Bản, trong đó có một bạn mang hai dòng máu Nhật - Mỹ. Nhóm chúng mình tên là Soranbushi - đây là tên của một điệu nhảy truyền thống của Nhật Bản. Ngoài ra, buổi học đầu tiên này mình đã được chứng kiến những cách đặt tên độc lạ của các nhóm sinh viên khác. Có nhóm đặt tên theo tên đồ ăn như Takoyaki, Sukiyaki hay tên của một tuyến tàu ở Tokyo - Tobu Line và thậm chí là tên của nhân vật anime như Gojo Satoru.
Tại lớp học này, chúng mình đã được học về phong cách, lối sống và văn hóa của người Nhật. Thầy thường cho chúng mình xem những bộ phim, những đoạn video ngắn hay cho chúng mình đọc những trích đoạn trong những tác phẩm nổi tiếng. Sau đó thầy sẽ đặt những câu hỏi và chúng mình sẽ cùng thảo luận để trả lời những câu hỏi đó. Thầy luôn đan xen giữa việc giảng bài và việc cho chúng mình xem tư liệu. Thầy đã show cho chúng mình cả điểm sáng lẫn mặt tối của đất nước Nhật Bản và thậm chí là những ẩn dụ về ngôn ngữ trong giao tiếp của người Nhật hay cách sử dụng từ ngữ và những dấu hiệu trong manga. Lý do thầy yêu cầu trong nhóm phải có ít nhất một sinh viên người Nhật là để các bạn ấy có thể giải thích cho những sinh viên quốc tế những vấn đề thiết thực nhất của Nhật Bản. Chúng mình đã đi qua rất nhiều bài giảng thú vị của thầy. Nhưng có những lúc, thầy cho chúng mình những chủ đề rất “dark” như việc tự sát và cái chết. Đã có lần, chúng mình phải trả lời câu hỏi “Why do people die?”. Các nhóm đã có rất nhiều những câu trả lời khác nhau nhưng cuối cùng không có câu trả lời nào đúng và cũng không có câu trả lời nào sai cả. Cuối mỗi buổi học, chúng mình sẽ viết những cảm nhận của mình ra và nộp lại cho thầy. “Viết những gì mà các em muốn” - đó là những gì thầy nói. Chúng mình cũng có thể đặt câu hỏi cho thầy và thầy sẽ trả lời chúng trong buổi học tiếp theo. Đối với những phản hồi hay, thầy cũng sẽ cộng thêm extra point cho chúng mình trong điểm tổng kết.
Japanese Arts A là môn học về nghệ thuật hội họa của Nhật Bản. Chúng mình được học về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cũng như và vẽ tranh theo từng thời kỳ lịch sử của Nhật Bản. Môn học này là môn học theo hình thức online nên chúng mình thực hành theo cách chia theo từng nhóm nhỏ trên Zoom. Mỗi buổi học thầy Frank Witkam sẽ chia nhóm ngẫu nhiên và chúng mình sẽ thảo luận về những tác phẩm nghệ thuật xem chúng thuộc trường phái nào. Tổng kết cuối kì, chúng mình phải đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo và làm một bài assignment. Nhờ lớp học này mà mình biết được rằng, Bảo tàng Quốc gia Tokyo miễn phí vé vào cửa cho sinh viên của một số trường đại học. Bạn chỉ cần đưa cho nhân viên thẻ sinh viên và nói với họ mình muốn campus ticket thì họ sẽ phát vé sinh viên cho mình luôn.
Nếu Japanese Arts A là môn học về nghệ thuật hội họa Nhật Bản thì Japanese Arts B là môn học về nghệ thuật âm nhạc Nhật Bản. Chúng mình học về các thể loại âm nhạc truyền thống của Nhật Bản như Shomyo, Gagaku, Enka và cả các thể loại kịch sân khấu như Noh, Kabuki. Ngoài ra chúng mình cũng học về các nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản và thậm chí còn được thực hành ngay tại lớp học. Cô giáo Colleen Schmuckal đã mang đến giảng đường Shakuhachi - một loại sáo của Nhật, Shamisen - một nhạc cụ dân gian Nhật Bản và Koto - hay còn được biết đến với tên gọi Đàn tranh. Mình đã có cơ hội thực hành Koto. Nó thật sự rất khác so với mình tưởng tượng. Âm thanh mình tạo ra khi gảy đàn nghe rất lạ và mình phải thử lại nhiều lần mới tạo được âm thanh như ý muốn. Dây đàn rất nặng vaf phải dùng rất nhiều lực mới tạo được âm thanh rõ ràng. Xuyên suốt khóa học, chúng mình tập trung làm nổi bật “Japanese Sound” và vai trò của âm nhạc truyền thống trong xã hội hiện đại ngày nay. Cô Colleen còn mời những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong âm nhạc truyền thống Nhật Bản và những tiền bối đi trước tới giảng đường để chia sẻ với chúng mình. Cuối học kì, chúng mình mỗi người đều làm một Video Presentation về một bài hát hay một giai điệu mà chúng mình cho rằng nó rất “Japanese Sound”. Sau đó, khi lên lớp chúng mình sẽ tạo thành từng nhóm và xem những videos của các bạn khác và bình luận, đặt câu hỏi cho các bạn đó. Đây là lần đầu tiên mình làm một video có lồng tiếng của bản thân. Lúc đầu mình rất bối rối vì kĩ năng dựng video của mình khá tệ và mình phải lồng tiếng bằng Tiếng Anh. Nhưng rồi mình cũng đã cố gắng hoàn thành video và mọi người rất đón nhận nó. Bài hát mình làm là “Senbonzakura” - một bài hát rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Mình biết đến bài hát này từ những năm mình học cấp 2 và nó đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong mình. Mình đã tìm hiểu và phân tích sâu về một thứ mà mình yêu thích trong gần 10 năm, tuy có đôi chút khó khăn nhưng đây là một trải nghiệm rất quý báu đối với mình.
Japanese Management được vận hành giống một buổi seminar hơn là một lớp học. Phòng học được bày trí theo hình chữ U. Chúng mình đưa ra ý kiến và quan điểm của mình nhiều hơn là ngồi nghe giảng. Ngồi trong lớp học nhưng mình có cảm giác như mình là một “doanh nhân” thực thụ vậy. Kiến thức của môn học này mình thấy khá giống môn Khoa học Quản lý đại cương và Đại cương về Quản trị Kinh doanh mà mình đã học ở Việt Nam. Điều khác biệt là ở khoá học này, mỗi buổi học sẽ có những case study khác nhau về những doanh nghiệp nổi tiếng ở Nhật Bản. Chúng mình được lựa chọn giữa việc làm bài thuyết trình hoặc viết bài luận để tính 20% số điểm của khóa học. Đối với những bạn làm thuyết trình, các bạn có thể chọn ngày và chủ đề để trình bày. Sau mỗi bài thuyết trình, chúng mình sẽ viết những bình luận về những bài thuyết trình đó và nộp lên trang web chính của khóa học. Cô giáo Nishizaki rất nhiệt tình với bài giảng và luôn chào đón những ý tưởng mới. Cô cũng rất “năng động” khi chỉ trong một bài thuyết trình, cô sẽ di chuyển đến mọi vị trí trong lớp học để quan sát, theo dõi.
Cô Nishizaki cũng rất hào phóng khi vào buổi học cuối cùng của năm, trước khi chúng mình bước vào kì nghỉ đông, cô đã mạnh tay “quẹt thẻ” mở party cho chúng mình. Ngày hôm đó cô đưa thẻ cho một bạn rành Tiếng Nhật nhất trong lớp, bạn ấy đã giúp cả lớp order và thanh toán tại Tully’s Coffee - một thương hiệu cà phê rất nổi tiếng ở Nhật Bản và có một cơ sở ngay tại khuôn viên của Rikkyo. Cô cũng mang sẵn bánh ngọt lên lớp và chúng mình đã có một buổi party rất vui vẻ trước khi bước vào kì nghỉ dài.
Humanities Lecture khá giống với môn Lịch sử thế giới. Chúng mình học về những vấn đề diễn ra trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh. Thầy Brian Sayers thường cho chúng mình tài liệu và câu hỏi trước mỗi buổi học, chúng mình sẽ bàn luận về những câu hỏi đó trong buổi học kế tiếp. Đối với mình thì đây là một môn học khá chán vì lớp học chỉ có 7 thành viên, nhưng có rất ít buổi học mà cả 7 thành viên đều có mặt đầy đủ. Khóa học này không để lại nhiều ấn tượng với mình.
Mình được gặp cô Xu Halin trong môn Introduction to Tourism. Cô là một giáo viên rất sôi nổi. Dù tiết học diễn ra dưới hình thức online nhưng mình vẫn thấy được sự nhiệt huyết và hài hước của của cô. Cô đã rèn cho chúng mình critical thinking trong suốt khóa học. Ngoài ra cô còn hướng dẫn chúng mình cách để tra cứu tài liệu khoa học, khi chúng ta muốn giải quyết vấn đề gì thì nên tập trung vào phần nào của một bài báo khoa học và cả cách đặt câu hỏi phản biện cho từng vấn đề nữa. Cô vẫn hay đùa rằng, các em cứ đặt câu hỏi đi và sau đó chúng ta sẽ xem ai là người có câu hỏi “dở tệ” nhất trong lớp. Tuy vậy, không có câu hỏi của ai là dở tệ cả vì sau mỗi câu hỏi chúng mình lại có thêm những điều mới cần tìm hiểu và sau khi giải quyết những câu hỏi đó vấn đề chúng mình cần tìm hiểu lại trở lên sáng tỏ và rõ ràng hơn. Vào những buổi học đầu tiên, cô đã cho chúng mình những chủ đề khác nhau về du lịch để làm bài thuyết trình. Chúng mình có thể chọn chủ đề theo sở thích, những bạn chọn chung chủ đề sẽ tạo thành 1 nhóm. Sau khi một cá nhân hoặc một nhóm thuyết trình xong sẽ là phần đặt câu hỏi phản biện. Đối với những câu hỏi khó thì cô sẽ hỗ trợ mọi người trả lời. Tuy đây là một lớp học online nhưng mình thấy không hề nhàm chán mà còn rất hào hứng với các tiết học.
Trải nghiệm văn hóa và đời sống
* Học Tiếng Nhật
Ngoài các môn học trên giảng đường, chúng mình còn được học Tiếng Nhật. Trước khi bắt đầu học kỳ mới chúng mình sẽ làm một bài test trình độ Tiếng Nhật và sau khi có kết quả thì sẽ xếp lớp theo trình độ khác nhau. Vì thời gian mình được trả visa và thời gian làm bài test khá sát nhau nên mình không thể làm bài test và cũng không không thể tham gia các khóa học Tiếng Nhật. Tuy nhiên, nhà trường đã tạo thêm cơ hội để sinh viên quốc tế có thể học Tiếng Nhật tại Rikkyo. Mình đã đăng ký học Tiếng Nhật với Rikkyo Ladies’ Club. Ngoài việc tự học Tiếng Nhật, mình sẽ được thực hành hành với các tình nguyện viên của Rikkyo Women's Alumni Association. Giáo viên của mình là cô Toyoshima Yukiko. Cô là một người rất năng động, thân thiện và tốt bụng. Ngoài việc giúp đỡ mình trong việc học Tiếng Nhật, cô còn tạo nhiều cơ hội cho mình được tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản. Cô đã dẫn mình và một học sinh khác của cô - Margret đến từ Malaysia đi xem múa Nihon Buyou, một điệu múa truyền thống của Nhật bản và những người bạn của cô cũng góp mặt vào những màn trình diễn này.
* Mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản - Kimono
Cô Yukiko đã cho chúng mình cơ hội mặc Kimono - trang phục truyền thống của Nhật Bản. Chúng mình đã đến công viên Inokashira và vừa tham quan, vừa chụp ảnh tại đây. Mình đã được cô hướng dẫn cách mặc Kimono và nghe cô kể về việc làm Kimono ở Nhật Bản. Mình đã rất hào hứng khi được khoác lên mình trang phục truyền thống của một đất nước khác. Cảm giác như mình đã đến gần hơn với văn hóa của họ vậy.
* Tham quan các bảo tàng văn hóa
Cô Yukiko còn dẫn chúng mình đi Bảo tàng Nezu và Bảo tàng Ghibli. Qua những buổi tham quan này, mình đã được mở mang hiểu biết nhiều hơn về Nhật Bản.
* Lễ hội văn hóa - hoạt động thường niên của học sinh, sinh viên Nhật Bản
Rikkyo cũng có rất nhiều sự kiện lớn nhỏ cho sinh viên. Vào kì nghỉ thu đã diễn ra sự kiện St.Paul’s Festival hay còn được biết đến là lễ hội văn hóa. Sự kiện này diễn ra thường niên tại tất cả các cấp học của Nhật Bản. Đây là một sự kiện lớn với sự tham gia đông đảo của sinh viên. Mọi người dựng những gian hàng, trưng bày triển lãm và biểu diễn văn nghệ rất sôi động.
Giao lưu, kết nối và chia sẻ văn hóa
* Country Festa
Country Festa là sự kiện mà các sinh viên quốc tế giới thiệu về đất nước của mình thông qua booths hoặc presentations. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Global Lounge của Rikkyo. Điều đáng nhớ là sự kiện này diễn ra vào đúng sinh nhật của mình. Mình đã làm booth về Việt Nam tại sự kiện ở Ikebukuro. Việc này khiến sinh nhật của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mọi người cũng có thể xem chi tiết về sự kiện tại trang web của Global Lounge của Rikkyo
* World Cafe
World Cafe Là sự kiện mà mọi người trò chuyện với nhau bằng những ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Đức, Tiếng Trung, Tiếng Hàn. Mọi người sẽ ngồi thành từng nhóm theo từng ngôn ngữ khác nhau. Mỗi một nhóm sẽ có một supporter là người bản xứ hoặc là người thông thạo ngôn ngữ đó. Supporter có nhiệm vụ hỗ trợ mọi người trong nhóm nếu họ gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng ngôn ngữ khác và dẫn dắt cuộc trò chuyện theo chủ đề của tuần. Cuối mỗi buổi World Cafe sẽ có một bảng khảo sát về chất lượng cuộc hội thoại và cả những từ mới hay những điều mới bạn học được từ ngày hôm đó nữa. Mình đã tham gia World Cafe trong nhiều tuần, và khả năng giao tiếp Tiếng Anh của mình đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó mình còn có thêm rất nhiều bạn mới.
* Gingerbread House Competitions
Cuộc thi xây Gingerbread House là sự kiện diễn ra vào dịp Giáng Sinh. Gingerbread House là ngôi nhà xây bằng bánh quy, được trang trí bằng kẹo marshmallow và một số loại kẹo khác. Chúng mình được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm sẽ xây Gingerbread House và cuối cùng staffs sẽ chọn ra Gingerbread House ấn tượng nhất và nhóm thắng cuộc. Nhóm thắng cuộc sẽ nhận được “giấy chứng nhận” và những phần quà đặc biệt khác.
* Chia sẻ đặc sản Việt Nam
Vì sống xa nhà trong thời gian dài nên gia đình mình đã gửi cho mình một số món đồ từ Việt Nam để mình có thể hòa chung không khí những ngày lễ của đất nước. Vào dịp Trung thu, gia đình đã gửi cho mình rất nhiều bánh trung thu và mình đã có cơ hội được chia sẻ món ăn Việt Nam đến các bạn từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người đều khen bánh rất ngon, một số bạn còn đoán được trong bánh nhân thập cẩm có những gì. Nhưng theo đánh giá của mọi người thì bánh nướng vẫn ngon hơn bánh dẻo.
Du lịch và giải trí
Bên cạnh các hoạt động trên trường, mình có đi khám phá một số địa điểm đáng chú ý của nước Nhật. Mỗi một nơi đều có những điều đặc trưng, thú vị của nó.
* Công viên Yoyogi
Công viên Yoyogi rất thoáng đãng với rất nhiều cây và thác nước. Điều mình thích nhất ở công viên này là vườn hoa hồng. Tuy thời điểm mình đến không phải mùa hoa nở đẹp nhất nhưng những bông hoa mình gặp được vẫn rất đẹp và rực rỡ.
* Đền thờ Minh Trị (Meiji-Jingu)
Meiji-Jingu vẫn luôn rất đông người tham quan. Đây là đền thờ Thiên hoàng nổi tiếng nhất Nhật Bản - Thiên hoàng Minh Trị. Khi đến đây mình đã may mắn bắt gặp một đám cưới truyền thống của Nhật. Tôn giáo lớn nhất ở Nhật là Thần đạo và làm đám cưới ở đền thờ sẽ đem lại hạnh phúc viên mãn cho phu phụ.
* Shinjuku Gyoen
Shinjuku Gyoen là một địa điểm rất nổi tiếng với du khách. Nơi này khá giống một khu rừng nhỏ. Nơi đâu cũng có bản đồ và biển chỉ dẫn nên không dễ bị lạc ở đây. Điều mình ấn tượng nhất đó là phòng chiếu phim nhỏ ở đây. Đó là một thước phim ngắn về lịch sử của Shinjuku Gyoen. Khi đặt chân vào phòng chiếu, một loạt các con chữ đổ ào về phía mình, lúc ấy mình cảm giác như đang xuyên không đến thế giới khác vậy. Nhưng đó chỉ là hình ảnh 3D trong phòng chiếu. Màn hình bao phủ khắp phòng mang lại cảm giác rất chân thật.
* Roppongi Hills
Vào đêm Giáng Sinh mình đã đến Roppongi Hills. Illumination ở đây cực kì hào nhoáng. Không khí Giáng Sinh ở đây cũng rất nhộn nhịp với Christmas Market. Tuy nhiên, đây là dịp lễ lớn nên thật sự rất đông đúc, đôi khi rất khó để di chuyển.
* Yokohama
Chỉ cách Tokyo 1 giờ đi tàu, Yokohama là cảng biển quy mô nhất ở Nhật Bản. Bạn có thể chứng kiến những con tàu lớn và đẹp mắt neo đậu tại nơi đây.
Đến với Yokohama thì Chinatown là một địa địa điểm không thể bỏ lỡ. Ở đây có rất nhiều đồ ăn ngon và mọi người cũng rất thân thiện nữa.
Công viên Yamashita nằm ngay gần Chinatown và đây là một nơi lý tưởng để thư giãn. Vườn hoa ở đây rất rộng và rất đẹp. Chỉ cần đưa máy ảnh lên thôi là đã có ngay một tấm hình đẹp rồi.
* Mua sắm và giải trí tại những cửa hàng, sự kiện Manga-Anime
Mình cũng rất thích văn hóa Manga-Anime của Nhật và đã đến những triển lãm và địa điểm mua sắm những món đồ liên quan đến anime. Những cửa hàng nổi tiếng có thể kể đến đến như Jump Shop, Animate, Book Off, Pokemon Shop,... Triển lãm diễn ra tại thời điểm mình có mặt ở Nhật có triển lãm về Naruto, game Disney Twisted Wonderland,...