Trung tá Trương Thị Liễu, Phó Trưởng Công an xã Thanh Liệt cho biết, ngay sau khi được bổ nhiệm, điều động về xã, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp với năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế làm việc để triển khai thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; làm tốt công tác phòng ngừa, tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh, trật tự ngay tại địa bàn.
Kể về những ngày tháng mới về địa bàn, Trung tá Trương Thị Liễu bồi hồi nhớ lại, khoảng cuối năm 2020, UBND huyện Thanh Trì tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt để thực hiện Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì”.
Do không đồng thuận với giá đền bù nên nhiều người dân bức xúc với chính quyền. Có giai đoạn, người dân khiếu kiện vượt cấp, gây phức tạp về an ninh trật tự. Cùng thời điểm này, Bộ Công an triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư” và Đề án cấp “Căn cước công dân có gắn chíp điện tử”. Khi thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư”, Trung tá Trương Thị Liễu cùng với cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thanh Liệt phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát phiếu thu thập thông tin dân cư, phục vụ việc nhập dữ liệu lên hệ thống... Hai sự việc nối tiếp nhau trong thời điểm "nhạy cảm" về an ninh trật tự, có những ngày các chiến sĩ Công an xã và cán bộ trong Ban công tác mặt trận cơ sở đến phát phiếu thì nhiều người dân không tiếp nhận. "Phải bằng mọi cách tiếp cận được với Nhân dân, phân tích để người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình" - từ những suy nghĩ và trăn trở đó, Trung tá Trương Thị Liễu đã chủ động tham mưu cho cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.
Sau đó, lực lượng Công an xã Thanh Liệt đã tăng cường xuống địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, để từ đó giải thích, tuyên truyền vận động, thuyết phục Nhân dân phối hợp cùng thực hiện. Trong đó, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền để tách việc thu thập thông tin dân cư để phục vụ Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và việc thu hồi đất. “Mưa dầm thấm lâu”, cùng với việc tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, tổ chức họp dân tại nhà văn hóa để tuyên truyền về lợi ích của Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, người dân đã hiểu rõ vấn đề.
Xác định phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà thật kỹ, không để một hộ dân nào bị bỏ sót”, Công an xã Thanh Liệt đã bố trí 2 cán bộ là Phó trưởng Công an xã và 2 chiến sĩ để kiên trì vận động, tuyên truyền. Chẳng kể ngày nắng hay mưa, từ 15h-22h, họ có mặt ở địa bàn để phát phiếu, thu phiếu rồi đối chiếu với tài liệu gốc, cuối cùng đến Công an huyện Thanh Trì để nhập lên hệ thống dữ liệu dân cư, ngày làm việc thường kết thúc vào khoảng 3-4h sáng ngày hôm sau.
"Chẳng kể mưa, nắng vất vả, bằng sự kiên trì, nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, cuối cùng người dân đã ủng hộ. Tỷ lệ thu thập thông tin dân cư tại thôn Văn gần như đạt cao nhất so với các thôn, tổ dân phố còn lại. Chúng tôi vui lắm!" - Trung tá Trương Thị Liễu xúc động chia sẻ. Đến nay, sau hơn hai năm, Công an xã Thanh Liệt đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao từ phía người dân. Tội phạm và các tệ nạn xã hội đều giảm. Trên địa bàn không còn các điểm, tụ điểm về ma túy; hiện tượng đổ trộm chất thải, đất thải đã giảm đáng kể…
Theo Trung tá Trương Thị Liễu, quá trình làm công tác dân vận khó nhất là có được sự tin yêu của người dân. “Phải đối với dân bằng tấm lòng chân thành thì người dân địa phương mới đồng hành, chia sẻ để lực lượng Công an hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, bà con sẽ tin tưởng và khi nhân dân cần, thì chúng tôi sẽ có mặt, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa…” - Trung tá Trương Thị Liễu chia sẻ.
Người dân chưa thấu hiểu, chính quyền chưa nhận thức rõ nhiệm vụ, vai trò của lực lượng Công an chính quy, song nhờ làm tốt công tác dân vận, Công an xã đã nắm bắt hoàn cảnh gia đình những trường hợp đặc biệt. Đến nay 100% dữ liệu dân cư đã được thu nhận, 100% công dân trong độ tuổi cấp căn cước công dân đã đi làm thủ tục cấp.
Theo Trung tá Trương Thị Liễu, phải biết đặt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân lên trên. Công an xã Thanh Liệt nói chung và bản thân chị đã xuống cùng với dân, giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất như chẻ bó lạt, lội ruộng cắt rau, giúp đỡ cụ già, trẻ nhỏ bằng những việc làm thiết thực như tặng họ hộp sữa, bộ quần áo... Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; gia đình có việc hiếu thì cử cán bộ phụ trách địa bàn và chỉ huy đến chia buồn… những việc làm đó của cán bộ, chiến sĩ đã được bà con dần dần ghi nhận.
Có thể khẳng định, ở đâu và khi nào mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an quán triệt, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy thì ở đó, khi đó, an ninh, trật tự được bảo đảm, Công an được nhân dân tin yêu, cấp ủy, chính quyền tin cậy.
Nữ Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì nhiệt huyết, tận tụy được người dân yêu mến