Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025: Chuyển đổi là nhu cầu sống còn của ngành du lịch – lữ hành!

Thứ năm - 05/08/2021 21:00
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nhận diện và thậm chí cả bản chất của ngành du lịch, đặc biệt là kinh doanh lữ hành, ở một giác độ nào đó!. Xoay quanh chủ đề này, Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng chia sẻ loạt bài viết thể hiện quan điểm của TS. Trịnh Lê Anh, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội về chuyển đổi số trong ngành du lịch - lữ hành để góp thêm những kiến giải cho Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 của Bộ VHTTDL.
Góp ý Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025: Chuyển đổi là nhu cầu sống còn của ngành du lịch – lữ hành!

"Chuyển đổi số" là một từ khóa (keyword) thể hiện xu thế của nền kinh tế, của xã hội trong hiện tại, tuy nhiên ít ai nghĩ xu thế này lại diễn ra nhanh và mạnh một cách bất ngờ trong hai năm nay. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hội chợ du lịch lớn nhất trong năm VITM phải cân nhắc lại giữa một vài chủ đề dự kiến. Chủ đề của năm 2020 được chính thức công bố: Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam đã cho thấy "sức ép" của vấn đề chuyển đổi số lên toàn ngành trong bối cảnh mới. Như chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Trưởng BTC VITM Hà Nội 2020: chủ đề này cần được đưa ra luôn trong năm 2020 bởi vì ảnh hưởng của Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nhận diện và thậm chí cả bản chất của ngành du lịch, đặc biệt là kinh doanh lữ hành, ở một giác độ nào đó!

img7433 1627544819805434407332

 

Trong du lịch, sự tồn tại của các công ty lữ hành sẽ như thế nào?

"Ông tổ ngành lữ hành" Thomas Cook (22/11/1808 – 18/7/1892, người Anh, được coi là cha đẻ của ngành lữ hành thế giới) từ 1842 đã tạo ra một loạt các dạng thức kinh doanh dịch vụ tổ chức chuyến đi, sau này gọi là các TO (Tour Operator – công ty lữ hành), TA (Tour Agency – đại lý lữ hành). Đó là hiện thực sinh động của ngành du lịch từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều câu hỏi về vai trò và sự tồn tại của các công ty lữ hành hiện nay khi những người muốn đi du lịch hoàn toàn có thể tự mua vé máy bay, tự bay đến sân bay và được các khách sạn tại điểm đến du lịch ra đón ngay tại sân bay, tự lựa chọn các phương thức di chuyển và mua vé tham quan online, hệ thống thông tin hướng dẫn (guiding information) được trang bị "tận chân răng" nhờ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo AI... Một câu hỏi lớn đặt ra là các công ty lữ hành sẽ tiếp tục đóng vai trò gì?. Liệu du khách có cần mua tour du lịch nữa không?. Khái niệm "lõi" tour du lịch có bị phá vỡ?

Lữ hành vốn là một mảng màu rực rỡ trong bức tranh đa sắc của ngành du lịch đang bị xám đen như vậy, nếu không chuyển đổi thì sẽ không thể tồn tại. Chuyển đổi là nhu cầu sát sườn, cần thiết, sống còn của ngành du lịch. Còn chữ "số" trong "chuyển đổi số" hàm ý một giải pháp, hay một cách làm. Tâm thế "chuyển đổi" phải trở thành tất yếu, còn "số" là một gợi ý. Người/doanh nghiệp phù hợp đến đâu trong hành trình thích nghi để tồn tại (chứ chưa dám nói để phát triển) thì chuyển đổi số nhiều, ít tùy theo. Có những người/doanh nghiệp lữ hành không phù hợp thì không chuyển đổi số theo cách phổ thông mà phải tự tham khảo, mày mò các mô hình ngách để chuyển đổi. Tóm lại vẫn phải chuyển đổi, hoặc là chấm dứt hoạt động.

Cụ thể, ngành du lịch – lữ hành sẽ chuyển đổi những gì?

Về nội dung, chuyển đổi trong lữ hành đang được hiểu và triển khai mạnh ở một số khía cạnh như chuyển đổi và chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp: chủ yếu ở các khâu vận hành, marketing và sale, xây dựng sản phẩm (mới, thích ứng với sự thay đổi nhu cầu nhanh và mạnh của khách du lịch), chuyển đổi và chuyển đổi số trong quản trị nhân sự và nhà cung ứng, quản trị và tận dụng dữ liệu lớn (bigdata) khách hàng của cả hệ thống để phát huy tối đa "tính dịch vụ" của lĩnh vực lữ hành, chuyển hướng kinh doanh "du lịch thông minh" (smart tourism); hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên cho du lịch; nhấn mạnh tính an toàn trong ngành chuyển đổi trong quan niệm về giá trị của sản phẩm và dịch vụ du lịch được bán cho khách: tôn vinh giá trị nghệ thuật, văn hoá, giá trị tinh thần đến từ yếu tố địa phương, yếu tố nguyên gốc, bản địa hay quan điểm/nguyên tắc phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng… với các khái niệm (concept) "handmade", "manmade", lao động địa phương...!

01 1 16275449144301382344474

 

Một hình dung về tương lai của ngành du lịch-lữ hành Việt Nam?

Nói về tương lai trong bối cảnh hiện nay dễ rơi vào tình trạng võ đoán. Ngay cả những người có tư duy phân tích và định đoán rất tốt đều không tự tin đưa ra ý kiến do những diễn biến quá phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một dịch bệnh có độ khốc liệt bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Quan điểm riêng của người viết cho rằng nếu giữ tinh thần chuyển đổi mạnh mẽ và quyết liệt thì những điểm sáng có thể nhìn thấy trong năm 2022-2025 của du lịch Việt Nam có thể là:

Thứ nhất là du lịch nội địa. Đây vừa là sự lựa chọn hiếm hoi (thậm chí có nhiều thời điểm là duy nhất), vừa là cơ hội đủ tốt và thuận lợi cho nhu cầu du lịch đã được chuyển đổi của những người đi du lịch thế hệ mới (thế hệ Covid- 19 và hậu Covid -19). Giai đoạn Covid-19 và tới đây là hậu Covid-19, nhu cầu đi du lịch sẽ chuyển đổi một cách tất yếu. Và du lịch nội địa sẽ có khả năng đáp ứng rất tốt nhu cầu đã chuyển dịch đó. Vì thế, các doanh nghiệp dù chuyển đổi gì, như thế nào thì cũng phải chú tâm nhắm đến khách du lịch trong lãnh thổ Việt Nam để làm du lịch, khai thác nguồn lực "tại chỗ". Còn du lịch quốc tế vẫn rất xa vời do khủng hoảng an toàn vì dịch bệnh và khủng hoảng cả niềm tin về tính cam kết trong ngành cũng do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh đó, du lịch các nước láng giềng (cự ly gần, linh hoạt dịch chuyển) hay các điểm đến an toàn, đạt miễn dịch cộng đồng và có chính sách hộ chiếu vaccine phù hợp có thể là lựa chọn bổ sung, nhưng để nói "du lịch quốc tế" là một điểm sáng trở lại trong bức tranh du lịch thế giới và Việt Nam thì dường như quá xa vời ở thời điểm này.

Về loại hình du lịch thì điểm sáng có lẽ là nghỉ dưỡng vì đây đang được chứng minh và sẽ vẫn là sự lựa chọn nổi trội. Người đi du lịch lúc này muốn cân bằng lại cuộc sống. Và từ đó thì resort, khu nghỉ dưỡng khép kín sẽ lên ngôi. Những nơi nghỉ dưỡng kiểu này phải là những nơi giúp "nâng cấp" cuộc sống của người đi du lịch lên trong ít ngày, bù đắp những vất vả lo toan và phù hợp với những chắt chiu tiết kiệm của mọi người trong mức đầu tư tài chính cho chuyến đi. Cùng với đó dạng hình lưu trú homestay gắn với địa phương cũng sẽ phát triển, nhưng không cạnh tranh với resort.

TS. Trịnh Lê Anh, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây