Giúp đỡ người đồng cảnh ngộ...
Thiếu sức khỏe, khó khăn trong sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm là những trở ngại mà những người khuyết tật (NKT) luôn phải đối mặt. Mang trong mình những khiếm khuyết, thế nhưng, bằng ý chí kiên cường, nhiều NKT đã vượt qua rào cản để làm đẹp cho cuộc đời.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Thu Thương, sinh năm 1983 (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) một NKT với nghị lực sống phi thường khiến nhiều người không khỏi thán phục. Khi mới lọt lòng, chị được chẩn đoán mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Căn bệnh quái ác làm cuộc sống của chị gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc di chuyển, sinh hoạt... đều phải phụ thuộc vào người khác. Từ năm 2004, chị bắt đầu mở lớp dạy làm đồ thủ công miễn phí cho người khuyết tật rồi nhận hàng về bán. Chỉ cao 80 cm, nặng 20 kg, và không thể đi lại, nhưng với quyết tâm không vì khiếm khuyết của bản thân mà trở thành gánh nặng cho gia đình, chị Thương đã gầy dựng thành công doanh nghiệp sản xuất đồ Handmade cho riêng mình. Đến nay, “Thương Thương Handmade” đã giúp nhiều NKT ở khắp các tỉnh, thành có công việc và niềm tin vào cuộc sống.
Hay câu chuyện về nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương vẫn ngày đêm miệt mài đào tạo nghề cho hàng trăm người đồng cảnh ngộ thoát nghèo bằng nghề thêu tay truyền thống của quê hương Quất Động (Thường Tín, Hà Nội). Khi được ba tháng tuổi, chỉ sau một trận ốm rất nặng, một bên chân của chị bị liệt vĩnh viễn. Không để trở thành gánh nặng cho gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, chị Khương đã ý thức được rằng bản thân phải tự mình vươn lên. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm tranh thêu đạt giải cao trong các cuộc thi. Nhận thấy những người đồng cảnh ngộ còn nhiều bất hạnh, chị quyết định mở xưởng dạy thêu tay miễn phí tại nhà với ý định giúp các chị em khuyết tật có thêm công ăn việc làm. Tính đến nay, chị đã dạy nghề cho gần 500 người trong thôn và trẻ em, người khuyết tật ở các nơi như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…
Câu chuyện khởi nghiệp đối với những người bình thường đã khó, với NKT lại càng khó khăn gấp bội. Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) là tấm gương điển hình về NKT khởi nghiệp thành công và sẵn sàng “cưu mang” người có hoàn cảnh giống mình. Anh Cường mắc bệnh bại liệt từ nhỏ và phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Hơn ai hết anh Cường thấu hiểu những khó khăn mà người như anh gặp phải khi xin việc.
Anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Cao Tiến).
Xuất phát từ ý tưởng tận dụng những mảnh vải vụn tại Làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), và nhận thấy nghề thủ công phù hợp với sức khỏe của NKT, anh Cường đã nung nấu ý định mở một xưởng ghép tranh. Đích thân anh đã đến từng nhà NKT ở Hà Nội để vận động tham gia dự án. Trước đó, đa số họ là nỗi lo lắng của người thân, gia đình khi không thể tự mình kiếm sống. Đến nay, xưởng tranh có hơn 30 NKT có thể tự nuôi sống bản thân, ngày ngày tạo ra những chiếc túi, tấm vải với họa tiết sống động được nhiều người yêu thích.
Không chỉ chị Thương, anh Cường hay chị Khương, trong xã hội còn vô số NKT với nghị lực sống phi thường, luôn cố gắng, vượt lên chính mình và giúp đỡ người có hoàn cảnh tương tự thoát khỏi mặc cảm, tự ti và vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Lan tỏa những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn
Sinh ra không được lành lặn như bao người bình thường khác, NKT phải chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Hầu hết, họ gặp không ít khó khăn về mọi mặt đời sống xã hội như: học tập, tìm kiếm việc làm, hôn nhân... Thế nhưng, cản trở lớn nhất với họ chính là sự kỳ thị của cộng đồng. Đó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn, đẩy NKT ra bên lề của cuộc sống. Những áp lực từ phía người thân, gia đình, sự coi thường, thương hại của họ hàng, xã hội càng khiến họ trở nên mặc cảm, tự ti thậm chí có người tìm đến cái chết như một cách để giải thoát. Tuy nhiên, không đầu hàng trước số phận, rất nhiều NKT ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn và khẳng định chính mình.
Hàng loạt câu chuyện về những NKT tự mình phấn đấu, mạnh dạn phát triển kinh tế để không chỉ nuôi sống bản thân mà còn sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ đã khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái sâu sắc trong cộng đồng. NKT có thể bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng rất giàu về ý chí và nghị lực vươn lên. Nhờ có những người như họ mà nhiều NKT khác đã có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với khả năng, có thêm thu nhập, tự chủ kinh tế. Những công việc họ đang làm tưởng như đơn giản, bình dị nhưng có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp và được cộng đồng đón nhận.
Thực tế cho thấy, những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dành cho NKT được mở ra đã trở thành ngôi nhà chung đầy nghĩa tình để những con người cùng chung số phận chia sẻ, động viên nhau vượt qua nghịch cảnh. Họ là những người “đặc biệt” và luôn mong muốn được sẻ chia với cộng đồng. Thời gian qua, nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ những NKT để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn; mở ra nhiều cơ hội cho những mảnh đời kém may mắn có thêm động lực biến ước mơ trở thành hiện thực, để họ không là“gánh nặng của xã hội”.
Những hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chị Thương, cô Khương hay anh Cường đã trở thành biểu tượng sinh động lan tỏa nét đẹp tương thân tương ái, cùng những thông điệp giàu tính nhân văn “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong cộng đồng. Họ thực sự là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực sống phi thường để tất cả chúng ta học tập và noi theo. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn phê phán những biểu hiện, hành động thiệt thị, gây tổn thương đối với NKT. Có như vậy, NKT mới được bảo vệ, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn