Ông Nguyễn Văn Luôn (sinh năm 1960) đã học tập và làm theo Bác bằng việc giáo dục con cháu luôn sống gương mẫu, có đạo đức, sống hòa đồng với xóm giềng, tích cực tham gia các hoạt động có ích cho xã hội; đặc biệt là cần cù lao động, phát triển sản xuất để gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Bản thân ông Luôn là một nông dân “chân lấm tay bùn”, trong những năm trước đây, với diện tích canh tác 13.000 m2 đất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa hai vụ mỗi năm, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Không khuất phục trước những khó khăn đó, ông Luôn đã học hỏi các mô hình làm kinh tế có hiệu quả để tạo hướng đi đúng trên con đường phát triển kinh tế của gia đình.
Hơn 18 năm trước, ông Luôn đã chọn con ba ba để nuôi thử nghiệm, ban đầu chỉ nuôi với số lượng 300 con và tận dụng nguồn thức ăn thiên nhiên từ ốc bươu vàng, cua, cá. Thấy ba ba dễ nuôi mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên ông Luôn mạnh dạn cải tạo thêm diện tích 3.200m2 đất ao, mương để tăng số lượng thả nuôi trong những vụ tiếp theo, từ đó thu nhập ổn định hơn và cuộc sống khá giả hơn. Tính trung bình diện tích thả nuôi 10.000con/1.000m2, trừ hao hụt 30%, qua 18 tháng nuôi, trọng lượng ba ba bình quân 1,5 kg/con, với giá bán thương phẩm hiện nay khoảng 210.000đ - 250.000đ/kg, trừ chi phí ông còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Một điều đáng quý ở ông Luôn không chỉ ở tinh thần vượt khó vươn lên, mà còn là sự sẻ chia với tất cả mọi người về những kinh nghiệm trong nuôi ba ba cho các hộ gia đình ở địa phương. Ông Luôn tâm sự: “Sau khi thực hiện thành công mô hình nuôi ba ba, tôi không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho một số hộ nông dân chí thú làm ăn để thực hiện mô hình, tôi đã giúp cho 02 hộ nghèo, 03 hộ cận nghèo và một số hộ khó khăn thực hiện mô hình nuôi ba ba. Đến nay các hộ nghèo và cận nghèo đã thoát nghèo bền vững, nhà cửa được xây cất khang trang, không còn nhà tre lá xập xệ như trước nữa, được vậy tôi thấy rất vui mừng”.
Từ hiệu quả mô hình, Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện đã hướng dẫn ông thành lập Tổ hợp tác Luôn Thắng vào tháng 3 năm 2019 với mô hình sản xuất nuôi ba ba tập trung, ông Luôn được các tổ viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, đến nay số lượng tham gia là 19 thành viên, với diện tích ao hồ là 23.000 m2. Trong quá trình hoạt động, ông Luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương, các thành viên trong tổ đều được tiếp cận khoa học kỹ thuật và được cấp chứng nhận nghề nuôi ba ba, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất; bên cạnh đó, ông Luôn và các thành viên trong tổ hợp tác còn được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 800 triệu đồng để cải thiện diện tích ao, mương, trang bị các phương tiện, máy móc cần thiết để phục vụ cho việc nuôi ba ba lâu dài.
Đồng chí Đỗ Thúy Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Hội Nông dân xã tổ chức triển khai sâu rộng, từng bước lan tỏa trong cán bộ hội viên nông dân. Từ phong trào, đã có nhiều cách làm mới, gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến tấm gương ông Nguyễn Văn Luôn về tinh thần không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Luôn xứng đáng là những nông dân thời kỳ đổi mới. Những đóng góp của ông Luôn không chỉ phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, mà còn tạo chuyển biến tích cực trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ở địa phương”.
Việc làm ý nghĩa của ông Nguyễn Văn Luôn đã lan tỏa sâu sắc trong hội viên nông dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không những thế, tấm gương ông Luôn còn là minh chứng sống cho phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà hội viên nông dân đã và đang thực hiện, để góp phần xây dựng quê hương Hồ Đắc Kiện ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn tin: soctrang.dcs.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn