Từ những việc làm cụ thể, nói đi đôi với làm, ông Dương Văn Minh được Tỉnh ủy Vĩnh Long tuyên dương điển hình tiên tiến tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đến với căn nhà hiện nay của ông đang sống, rất bất ngờ trước những cách trang trí của ông Minh. Những hình ảnh về ông cũng như tư liệu sưu tầm đều được ông đặt trang trọng trong nhà. Ở mỗi nơi đều có chủ đề riêng và được ép nhựa, đóng khung rất kỹ lưỡng và nền nếp.
Trong kệ sách, mỗi thể loại sách ông đặt ở một nơi khác nhau theo chủ đề. Trong đó những loại sách quý được ông trang trọng đặt trong tủ kính. Hiện ông có hàng trăm đầu sách, tư liệu và băng đĩa quý. Đặc biệt là có rất nhiều loại sách về sinh viên miền nam và sách về Bác được ông trân quý mỗi ngày.
Ông Hai Minh lưu giữ những kỷ niệm thời học sinh. |
Trước phòng ngủ là những hình ảnh và tư liệu về cuộc đời của ông từ khi còn học ở trường làng cho đến tập kết ra Bắc học tập cũng như hình ảnh, bạn bè cùng trang lứa thời cắp sách đến trường.
Nổi bật nhất là mô hình sa bàn được đặt trang trọng trong căn phòng kính gần 20m2 ở nhà ông như: Ngôi nhà sàn của Bác, lăng Bác, trận chiến Điện Biên Phủ trên không… Ấn tượng nhất là sa bàn được trình diễn rất nhịp nhàng, vừa có âm thanh vừa có lời bình, tạo cảm giác sinh động cho người xem. Mỗi khi có ai đến xem, ông làm luôn nhiệm vụ thuyết minh cho sa bàn sống động nhà mình.
Ông Hai Minh bên mô hình sa bàn nhà mình. |
Theo ông Hai Minh, với tấm lòng trân quý Bác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên bằng mọi giá ông cũng sưu tầm cho bằng được những mô hình, tư liệu về Bác. Đặc biệt là các em học sinh ở địa phương, mỗi khi đến nhà, ông 2 Minh phấn khởi mời vào kể về Bác bằng các mô hình trong sa bàn dễ hiểu. Từ đó, các cháu hiểu, yêu quý và học theo Bác nhiều hơn…
Sau những năm tháng xa quê, ông Hai Minh trở về nơi chôn nhau cắt rốn sống cuộc sống bình dị với bà con lối xóm. Mặc dù được Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đời sống cho người dân, nhưng việc đi lại vẫn còn khó khăn.
Sau nhiều đêm trăn trở và nhớ lại những lời căn dặn của Bác, ông Hai Minh đến bàn bạc với Ủy ban nhân dân xã Nhơn Bình hỗ trợ làm công tác xã hội. Đặc biệt là xây dựng cây cầu và tuyến đường đan cho người dân cũng như các em học sinh đi lại dễ dàng, nhất là mùa mưa bão.
Nhiều học sinh và người dân phấn khởi có chiếc cầu ông Hai Minh trao tặng. |
Công trình cấp thiết cộng với việc nói đi đôi với làm, với số tiền dành dụm không đủ, ông quyết định bán luôn căn nhà ở huyện Tam Bình về đầu tư cho địa phương. Từ năm 2023 đến nay, ông đã thực hiện nhiều công trình cầu cũng như đường đan ở địa phương với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.
Ông Hai Minh chia sẻ: "Thấy những công trình bức thiết, tôi đã quyết định làm ngay để cho người dân đi lại dễ dàng hơn. Tất cả đều bỏ tiền nhà, tôi huy động lực lượng đông để làm nhanh các công trình. Cụ thể như công trình đường đan Ba Chùa - Tường Nhơn có chiều dài hơn 1,3km, rộng 2,2m, tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng… Chúng tôi chủ động thực hiện có 22 ngày là hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui của bà con nơi đây.
Ông Hai Minh bán cả căn nhà để làm tuyến đường đan cho người dân đi lại dễ dàng. |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Bình Ngô Văn Cường cho biết, nhờ có bác Hai Minh đã hỗ trợ nhiều công trình vừa có ý nghĩa vừa góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho địa phương. Bác Hai Minh không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn về cả tinh thần.
Ông Dương Văn Minh sinh năm 1942, hiện là đảng viên Chi bộ ấp Ba Chùa. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ba Chùa là căn cứ và nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng của cán bộ Tỉnh uỷ Vĩnh Long, Xứ ủy Nam kỳ…
Năm 1954, lúc mới 12 tuổi, ông thoát ly gia đình ra Bắc học tập theo tiêu chuẩn con cán bộ. Ra miền Bắc, ông phấn đấu tu dưỡng đạo đức tốt và học giỏi nên ngày 1/6/1955, ông được chọn là học sinh xuất sắc của Trường. Trong buổi gặp gỡ, ông cùng bạn bè được Bác Hồ tặng kẹo và căn dặn: “Các cháu về trường cố gắng tu dưỡng đạo đức tốt, học giỏi để sau này nước nhà thống nhất các cháu trở về xây dựng quê hương”.
Lãnh đạo xã Nhơn Bình thường xuyên đến trao đổi công việc và tâm sự với ông Hai Minh. |
Trong nhiều năm học tập và công tác ở miền Bắc, bản thân ông lúc nào cũng nhớ lời Bác Hồ dạy, nhớ quê hương da diết. Vì vậy, vào tháng 7/1973, ông theo đoàn vượt đường Trường Sơn vào khu B kháng chiến miền nam. Sau giải phóng ông tham gia công tác tại một công ty lâm nghiệp ở Sài Gòn cho đến khi về hưu…
BÁ DŨNG
Theo https://nhandan.vn
Nguồn tin: hochiminh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn