Đó là cô giáo Lê Thị Thắm, cô giáo trẻ sinh năm 1998 (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Sinh ra không được may mắn
Kể về tuổi thơ của mình, cô giáo Lê Thị Thắm chia sẻ “em sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, khi tôi chào đời, tôi rất nhỏ, chỉ nặng hơn 1kg và tôi không có hai tay. Mọi sinh hoạt hàng ngày của em đều là nhờ vào sự trợ giúp của mẹ, vì phải phục vụ cho em cả ngày nên mẹ không đi làm được gì, kinh tế của nhà đều do bố gánh vác hết nên gia đình rất khó khăn, vất vả”. Đến nay, dù đã bước sang tuổi 25 nhưng Lê Thị Thắm chỉ nặng 21 kg. Không những bị khiếm khuyết về đôi tay, cột sống của Thắm cũng bị cong vẹo, ruột bị tắc, gai khớp háng và suy nhược cơ thể nặng. Chính vì vậy, đều đặn, tháng nào cô giáo Lê Thị Thắm cũng phải đi điều trị định kỳ tại Hà Nội. Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ thuần nông, nên Thắm không thể điều trị dài ngày, chỉ mua thuốc về uống và tự điều trị tại nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn, Thắm chia sẻ thêm, em vừa trải qua cuộc phẫu thuật mở ung thư tuyến giáp.
Nhớ về những năm tháng nỗ lực theo học đầy những khó khăn của mình, Thắm kể, khi em được 4 tuổi rưỡi, trong lớp học, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà cô lại chỉ trừ tôi ra, nên em cũng đòi bằng được cô cho mình tập viết. Thấy các bạn kẹp bút vào tay thì Thắm cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết theo các bạn. Vì chân phải của Thắm ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn, những ngón chân của Thắm nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến em rất đau và đêm về không thể ngủ được. Không nản chí, dù ở trên lớp hay ở nhà, Thắm đều tập viết rất miệt mài, chăm chỉ. Khi lên 5 tuổi, Thắm không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái, vì vậy khi lên 6 tuổi, Thắm vào lớp 1 trường làng như bao bạn cùng trang lứa.
Cô giáo Lê Thị Thắm được Huyện ủy Đông Sơn tuyên dương trong học tập và làm theo làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
12 năm là học sinh giỏi
Người ta thường nói “giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, để có được kết quả như ngày hôm nay, Thắm đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong học tập cũng như trong cuộc sống. Những năm tháng tới trường, bên cạnh niềm vui thì Thắm cũng trải qua nhiều khó khăn, tủi hờn của người “không có tay”. “Nhìn bạn bè cùng trang lứa vui vẻ chơi đánh ô ăn quan, nhảy dây mà em chỉ có thể ngồi một mình, em rất tủi thân. Một số bạn còn chỉ vào em và nói là “ôi bé cụt tay kìa”, “chim cánh cụt kìa” là em chỉ biết về nhà khóc với mẹ” - Thắm kể.
Với nỗ lực của bản thân, em đã thực hiện ước mơ đèn sách của mình như bao bạn bè đồng trang lứa khác với thành tích 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. “Dạy học là nghề em đam mê nên không ngừng mơ ước, em đã phấn đấu để vào ngành sư phạm”, năm 2016, để tiện cho việc học hành và gia đình chăm sóc, Thắm quyết định thi và đỗ vào Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức.
Muốn tự viết lên cuộc đời đầy tươi sáng
“Trong ký ức tuổi thơ em và cho đến bây giờ, mãi luôn nhớ về thầy Nguyễn Ngọc Ký. Đó là tấm gương tiếp sức cho em có đủ bản lĩnh, phấn đấu học tập. Em cũng như thầy, không có hai tay nên phải tập viết chữ bằng chân. Luyện chữ, dù chân tước da, chảy máu, em vẫn không từ bỏ ước mơ được đến trường” - Thắm chia sẻ về động lực của bản thân.
Tháng 7 năm 2020, Lê Thị Thắm tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, dù được một số trung tâm mời về làm việc nhưng em đã từ chối vì lý do sức khỏe, Thắm trở về quê mở lớp dạy học tiếng Anh tại nhà cho các em nhỏ, với mong muốn lớn nhất là được trở thành một người có ích, được dạy các em nhỏ trong xóm, giúp các em tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập nên em nhận dạy miễn phí - thay lời cảm ơn của em đến bố mẹ, hàng xóm, bạn bè và thầy, cô đã đồng hành và giúp đỡ trong suốt những năm qua.
Ước mơ trở thành một cô giáo được đứng trên bục giảng mà Thắm ấp ủ bao nhiêu năm nay đã trở thành hiện thực. Thắm được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng đăc cách vào làm giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đông Thịnh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), từ ngày 1/8/2023. Được làm nghề mình yêu thích, đúng với khả năng được đào tạo, cô giáo Lê Thị Thắm đã gắng nỗ lực hết mình, khắc phục những khó khăn của bản thân, không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức về chuyên môn, rèn luyện và tu dưỡng tâm thế, tác phong, phẩm chất đạo đức của người giáo viên.
Có thể nói cuộc sống của mỗi con người đều có những khó khăn nhất định và khi vượt qua sẽ trưởng thành và tự tin hơn. Nhưng không phải ai cũng dám đối đầu với những khó khăn và thử thách. Dù không có tay, nhưng cô giáo Lê Thị Thắm muốn tự mình viết lên cuộc đời đầy tươi sáng của mình, để “tàn nhưng không phế” và em sẽ tiếp bước học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nguồn tin: doanthanhnien.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn