Hành trình được tổ chức dưới sự dẫn dắt của ThS. Nguyễn Hoàng Phương - trưởng đoàn, cùng sự hướng dẫn của giảng viên PGS.TS Đặng Thị Phương Anh và TS. Trịnh Lê Anh.
Sáng ngày 9/2, đoàn tập trung tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, di chuyển tới địa điểm đầu tiên trong lịch trình là Văn miếu Bắc Ninh. Tại đây, các bạn sinh viên được lắng nghe những thông tin về điểm đến từ hướng dẫn viên tại điểm, giúp mỗi thành viên học tập thêm được những kiến thức mới.
Tiếp theo, đoàn tới tham quan Đền Cùng - Giếng Ngọc, được xin nước uống trong giếng để sử dụng. Một điều thú vị và linh thiêng là dù được du khách và người dân trong vùng lấy về dùng nhiều nhưng từ trước tới nay, nước Giếng Ngọc chưa bao giờ cạn, thậm chí cả trong mùa hạn hán, hanh khô.

Đặc biệt, vào buổi trưa, đoàn được thưởng thức bữa cơm Quan họ của người dân làng Diềm và nghe hát canh đối đáp giữa các liền anh, liền chị. “Cơm Quan họ” sở dĩ là cách nói dân dã, khiêm nhường bởi bữa cơm tiếp đãi khách của người Quan họ không giống như bữa cơm thường ngày mà được các liền anh, liền chị dụng công chế biến với những món ăn đặc trưng theo phong tục riêng của từng làng Quan họ. Làng Diềm vốn nổi tiếng là cái nôi của những làn điệu dân ca quan họ, để có được giọng ca Quan họ “vang, rền, nền, nảy” say đắm lòng người, vì thế những tiết mục đoàn được thưởng thức, ngâm nga trong chuyến đi này đã đọng lại trong lòng mỗi thành viên những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến.


Buổi chiều cùng ngày, đoàn di chuyển tới học tập và khám phá tại Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Tại đây, thuyết minh viên đã cung cấp cho đoàn những thông tin đáng giá về nghề làm tranh Đông Hồ, về những bức tranh khắc họa ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Tranh dân gian Đông Hồ đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt Nam. Ngoài ra, đoàn còn có cơ hội ghé thăm nhà nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, một người đã có nhiều năm kinh nghiệm và trải nghiệm với nghề làm tranh Đông Hồ.
Buổi tối, đoàn được ghé thăm nhà một số nghệ nhân Quan họ và thưởng thức những màn hát canh đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị.
Sáng ngày 10/2, thành viên của lớp Du lịch lễ hội đã được trải nghiệm không khí Hội Lim rộn ràng của mảnh đất Quan họ Bắc Ninh. Phần lễ rước buổi sáng đoàn tham gia đó là lễ rước sắc và tiễn sắc từ đình làng Đình Cả sang đình Làng Lộ Bao cùng những nghi thức rước sắc, tế lễ, dâng hương,…. Buổi rước đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự.
Tiếp đó, các nhóm khảo sát của đoàn di chuyển tới khu vực chính của lễ hội - quảng trường đồi Lim, nơi diễn ra nhiều hoạt động phần Hội. Trên sân khấu chính và các chòi Quan họ, các liền anh, liền chị đã cất lên những làn điệu Quan họ ngọt ngào. Ngoài ra không gian hội còn là các hoạt động như: hát Quan họ trên thuyền rồng, thi Tổ tôm điếm, đấu vật, đánh đu,... Các nhóm tiến khảo khảo sát, nghiên cứu nhiệm vụ đã được giao trước đó trong học phần, đồng thời tận tưởng không khí rộn ràng, nô nức của lễ hội.
Kết thúc ngày hội, đoàn xe lăn bánh đưa các thành viên của đoàn quay trở lại Hà Nội, kết thúc chuyến thực tế “Sắc Lim”. Chuyến đi 2 ngày 1 đêm tuy không dài nhưng đã để lại những trải nghiệm ý nghĩa đối với mỗi thành viên của đoàn thực tế.