Khoa Du lịch họchttps://fts.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fts/logo-fts.png
Thứ sáu - 23/07/2021 10:38
Năm 2020, năm đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển đáng tự hào của ngành Du lịch Việt Nam (1960 – 2020). Đây cũng đồng thời là năm kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (1995 – 2020). 25 năm là một khoảng thời gian không dài, song cũng đủ giúp Khoa Du lịch học đã và đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò nổi bật của mình trong việc nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho ngành Du lịch Việt Nam. Hòa vào niềm vui chung của Ngành, bài viết này nhìn nhận lại những thành quả đóng góp cho Ngành của Khoa và những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nói riêng, chuyên ngành Địa lý Du lịch đã được mở ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1992. Ngày 21/10/1995, ngay sau khi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hình thành, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định thành lập Khoa Du lịch học. Nằm trong một trường đại học nghiên cứu, Khoa Du lịch học xác định sứ mệnh của mình là đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch học phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Kế thừa truyền thống học thuật của Đại học Tổng hợp, với sự đóng góp tiên phong và tích cực của các học giả nổi tiếng như cố GS. Trần Quốc Vượng, cố GS. Hoàng Thiếu Sơn, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, cố PGS. TS. Đinh Trung Kiên, PGS. TS. Trần Đức Thanh và nhiều học giả khác…, sau những năm tháng “chập chững” vượt khó buổi ban đầu, Khoa Du lịch học đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học tin cậy về du lịch ở Hà Nội cũng như của Đất nước. Hiện nay, Khoa Du lịch học gồm 3 Bộ môn là Văn hóa và Địa lý Du lịch, Quản lý Du lịch, Quản trị Sự kiện. Toàn Khoa có 18 cán bộ, trong đó có 02 chuyên viên, 15 cán bộ giảng dạy, 01 giảng viên thỉnh giảng, tỷ lệ cán bộ là giảng viên chính chiếm 37,5%, tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sĩ đạt 50%, tỷ lệ cán bộ có học hàm phó giáo sư đạt 27,5%.
Để thực hiện sứ mệnh trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao và trình độ cao về du lịch, ngay từ buổi ban đầu thành lập, Khoa đã chú trọng tập trung đào tạo định hướng nghiên cứu. Các mô hình đào tạo cử nhân chính quy, vừa học vừa làm, bằng kép, thạc sĩ lần lượt được thí điểm thành công. Hiện nay, chương trình đào tạo của Khoa hoàn thiện từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó có 02 chương trình đào tạo cử nhân là Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (trong đó có hai chuyên ngành là Quản trị Lữ hành và Quản trị Sự kiện) và Quản trị Khách sạn, 01 chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu chuyên ngành Du lịch, 01 chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng nghiên cứu chuyên ngành Du lịch. Ngoài ra, Khoa còn có các chương trình đào tạo bằng kép và đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn....Khoa Du lịch học là tiên phong đầu tiên trong cả nước đào tạo thạc sĩ du lịch (năm 2003) và tiến sĩ du lịch (năm 2018). Qua 25 năm phấn đấu, với số lượng hơn gần 4000 sinh viên chính quy, hơn 500 học viên cao học và hàng nghìn sinh viên các lớp hệ vừa học vừa làm, bằng kép, ngắn hạn được đào tạo dù chưa phải là nhiều, nhưng đã đáp ứng phần nào yêu cầu về nhân lực cho hoạt động du lịch Việt Nam, lấp dần khoảng cách giữa kiến thức khoa học với kinh nghiệm và kiến thức tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của đội ngũ lao động trong ngành Du lịch. Nhiều sinh viên, học viên của Khoa tốt nghiệp ra trường đã giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khách sạn…trên cả nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Du lịch học cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ khi thành lập đến nay, cán bộ của Khoa đã có khoảng 1000 các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước. Từ chỗ chủ yếu xuất bản các công trình ở trong nước, đến nay 1/3 số cán bộ của Khoa đã có các bài viết khoa học đăng trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế. Tập thể cán bộ Khoa cũng đã xuất bản được hơn 50 giáo trình, bài giảng và sách chuyên khảo; chủ trì hơn 30 đề tài khoa học các cấp đã được các đơn vị trong ngành Du lịch và các chuyên gia đánh giá cao (trong đó có 12 đề tài cấp Đại học Quốc gia, 17 đề tài cấp Trường, 02 đề tài của thành phố Hà Nội…). Rất nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực du lịch đã được Khoa tổ chức. Gần đây nhất, tháng 12/2019, trong khuôn khổ dự án TOURIST, Khoa đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phát triển Du lịch bền vững: Bài học cho các nước Đông Nam Á”. Đây là những minh chứng cụ thể cho sự nỗ lực và năng lực nghiên cứu khoa học của thầy, cô trong Khoa. Hàng năm, Khoa đều đặn tổ chức hội nghị khoa học sinh viên và hội thảo, tọa đàm khoa học dành cho cán bộ, qua đó khẳng định thế mạnh và vị thế của Khoa trong nghiên cứu khoa học du lịch ở Việt Nam.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế, kể từ khi thành lập đến nay, Khoa Du lịch học đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với hàng chục trường đại học và tổ chức quốc tế như Trường Đại học Toulouse Le Mirail (Pháp), Đại học Rikkyo (Nhật Bản), Đại học Kumamoto (Nhật Bản), Đại học Nagoya City (Nhật Bản), Đại học Missouri (Mỹ),Trường Du lịch thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng Munich (Đức), Đại học Greifswald (Đức), Đại học Chiang Mai (Thailand), Đại học Taylor (Malaysia), Đại học Kent (Vườn quốc Anh), Đại học Leed (Vương Quốc Anh), Đại học Queensland (Úc), Đại học TAFE (Úc), Đại học Quảng Tây (Trung Quốc), Đại học Hồng Hà (Trung Quốc)…qua đó trao đổi cán bộ, sinh viên trong Khoa sang học tập và tiếp nhận các học giả và sinh viên quốc tế làm việc và học tập tại Khoa. Với những nỗ lực đó, Khoa Du lịch học không chỉ thể hiện vị thế nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch ở trong nước, mà còn góp phần nâng dần uy tín học thuật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch của Việt Nam ra tầm khu vực và thế giới.
Với những kết quả đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ và cá nhân các thầy, cô Khoa Du lịch học đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Khoa Du lịch học đưa ra những định hướng phát triển để khắc phục các mặt hạn chế, tồn tại hiện có trong thời gian tới như: nâng cao nhận thức đầy đủ của đội ngũ cán bộ – giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên toàn Khoa về sứ mệnh làm đầu tàu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch học ở Việt Nam; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ Khoa, hướng đến những xuất bản quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao; cải thiện cơ sở vật chất và hệ thống tư liệu để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác theo hướng đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước; hoàn thiện, bổ sung kiến thức thực tế, đương đại vào hệ thống bài giảng, giáo trình cho một số môn học còn thiếu; triển khai hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa.
Trong 25 năm qua, với mục tiêu phát triển đúng đắn, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (cùng với nhiều cơ sở đào tạo khác trong cả nước) đã từng bước thực hiện việc đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch Việt Nam từ cấp độ bồi dưỡng ngắn hạn, đại học cho đến sau đại học - phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Cho đến nay, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo và khẳng định được vị thế, Khoa Du lịch học vẫn luôn nỗ lực phấn đấu với mong muốn cung cấp những “sản phẩm” nhân lực trình độ cao cho ngành Du lịch nước nhà, phấn đấu dần xuất hiện trên bản đồ đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch, khách sạn trong khu vực và thế giới.
Bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đang chờ đón, tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên cao học, sinh viên của Khoa Du lịch học sẽ quyết tâm, nỗ lực hết mình để đưa Khoa Du lịch học phát triển nhanh, bền vững và toàn diện theo hướng sáng tạo và hội nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, tiến tới ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
Phạm Hồng Long (2015), Đào tạo du lịch và khách sạn tại Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo Du lịch trong trường Đại học Nghiên cứu, trang 49-64, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Đức Thanh (2015), Một số vấn đề phát triển Khoa Du lịch học trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo Du lịch trong trường Đại học Nghiên cứu, trang 82-94, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.