Giới thiệu chung
Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một cơ sở trọng điểm quốc gia đào tạo về ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.Hơn 15 năm hình thành và phát triển, Khoa đã đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, và hợp tác quốc tế.
Hơn 2000 sinh viên chính quy đã theo học tại Khoa, được giảng dạy bởi đội ngũ 20 cán bộ giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và tận tâm với nghề. Chương trình đào tạo được thiết kế chuyên sâu với các môn học trong lĩnh vực du lịch và môn học bổ trợ, có sự kết hợp giữa lý thuyết và rèn luyện kỹ năng nhằm tạo cơ hội để sinh viên hòa nhập tốt với môi trường lao động trong ngành du lịch, khách sạn và sự kiện.
Các công trình nghiên cứu khoa học cấp Đại học quốc gia và cấp Bộ do cán bộ trong Khoa chủ trì đã được các đơn vị trong ngành Du lịch và các chuyên gia đánh giá cao. Bên cạnh đó, Khoa Du lịch học không ngừng đổi mới và nâng cao phương pháp giảng dạy để thích ứng xu hướng đào tạo quốc tế và sự phát triển của ngành du lịch lữ hành. Với bề dày kinh nghiệm và những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo - nghiên cứu, Khoa đã vinh dự nhận bằng khen của Tổng cục du lịch Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ.
Khoa đã xây dựng mối quan hệ tốt với nhiều trường có đào tạo về du lịch như Trường ĐH Toulouse Le Mirial (Pháp), ĐH Rikkyo (Nhật Bản), trường Du lịch thuộc ĐH Khoa học ứng dụng Munich…thông qua việc thực hiện trao đổi giảng viên, sinh viên sang giảng dạy, học tập; hợp tác cùng tổ chức hội thảo; thực hiện các dự án chung. Khoa luôn phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong lĩnh vực khoa học du lịch, gồm có: các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các chuyên gia nghiên cứu, và sinh viên. Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các đối tác chính là cơ sở để Khoa Du lịch học đạt được những thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu và hợp tác, và sẽ được tiếp tục duy trì.
Kể từ khi thành lập năm 1995, sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao luôn gắn liền với tên gọi của Khoa. Phương pháp nghiên cứu giảng dạy đổi mới, với sự hỗ trợ của trung tâm thực hành kỹ năng mới được xây dựng, sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy trong lĩnh vực du lịch – khách sạn – sự kiện trong nước và và trong khu vực.
Chương trình đào tạo đổi mới theo nhu cầu của sinh viên và thị trường ngành du lịch
Thiết kế chương trình đào tạo theo nhu cầu học của sinh viên là ưu tiên hàng đầu của Khoa. Các môn học sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp các em thành công trong vai trò nhà quản lý, giám đốc các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn và nhà hàng.
Các chương trình đào tạo hiện nay của Khoa gồm có:
-Thạc sỹ Du lịch
-Cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trong đó sinh viên được lựa chọn 02 hướng ngành:
* Quản trị Lữ hành
* Quản trị Sự kiện
-Cử nhân ngành Quản trị Khách sạn*
-Bằng kép cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trong đó sinh viên được lựa chọn 03 hướng ngành:
* Quản trị Lữ hành
* Quản trị Sự kiện
* Quản trị Khách sạn
-Chứng chỉ Nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch
Đổi mới trong dạy và học
Khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang dần sáng tạo và đổi mới phương pháp giáo dục theo xu hướng quốc tế nhằm mang lại cho sinh viên môi trường học tập năng động và phát huy tối đa năng lực của các em.
Các buổi nói chuyện, gặp gỡ với các nhà quản lý, giám đốc doanh nghiệp và các chuyên gia được lồng ghép vào trong các buổi học lý thuyết sẽ giúp các em mở rộng tầm hiểu biết và tiếp cận sâu hơn với môi trường ngành du lịch, khách sạn và sự kiện.
Bên cạnh đó, chương trình “Hành trang cơ hội việc làm cho sinh viên” được tổ chức hàng năm tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với thị trường cầu lao động trong ngành du lịch, khách sạn và sự kiện. Qua trao đổi và nghe tư vấn từ các vị khách mời là những doanh nhân thành đạt và chuyên gia trong ngành, sinh viên sẽ tích lũy được kinh nghiệm cho quá trình xin việc sau khi ra trường, định hướng nghề nghiệp cho tương lai cũng như có được cơ hội tuyển dụng.
CHƯƠNG TRÌNH HỌC SONG BẰNG
Một đổi mới nữa là việc sinh viên chính quy đang theo học từ học kỳ thứ ba đến học kỳ thứ bảy của Khoa Du lịch học có thể học song song một ngành thứ hai từ các Khoa khác trong Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn hoặc từ trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN). Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp hai bằng cử nhân độc lập tương ứng với hai ngành mà các em theo học.
PHÒNG THỰC HÀNH
Bắt đầu từ năm 2014, Khoa Du lịch học xây dựng thêm phòng thực hành chuyên ngành Lữ hành, Khách sạn và Sự kiện nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt giáo vụ khác của Khoa. Sinh viên sẽ có cơ hội trau dồi thêm các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, thuyết trình, tổ chức sự kiện và một số nghiệp vụ trong khách sạn nhà hàng.
PHÒNG TƯ LIỆU KHOA
Đây là trung tâm lưu trữ tổng hợp các tài liệu giảng dạy và tham khảo trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và sự kiện gồm có giáo trình, sách tham khảo, tạp chí, báo cáo khoa học, luận văn, và các tài liệu hội thảo. Ngoài ra, sinh viên có thể truy cập hơn 500 sách và tạp chí điện tử liên quan đến du lịch, văn hóa, ẩm thực, và khách sạn mà khoa đang lưu trữ. Phòng tư liệu Khoa được đầu tư thêm trang thiết bị để phục vụ cho các buổi hội thảo, thảo luận và làm bài tập nhóm của sinh viên.
HỢP TÁC QUỐC TẾ
Khoa Du lịch học đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức quốc tế, qua đó trao đổi cán bộ sinh viên trong Khoa sang học tập và tiếp nhận sinh viên quốc tế đến theo học. Các đơn vị đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Khoa
ĐH Chiengmai (Thái Lan) |
ĐH Missouri (Hoa Kỳ) |
ĐH Leeds Metropolitan (Anh) |
ĐH Rikkyo (Nhật Bản) |
ĐH Toulouse (Pháp) |
ĐH Quảng Tây (Trung Quốc) |
ĐH Munich (Đức) |
WWF |
WUSS (Canada) |
Học đi đôi với thực hành
Khoa Du lịch học đã xác định được rằng trong môi trường kinh doanh ngày càng biến đổi, chỉ kiến thức hay chỉ kinh nghiệm làm việc thôi thì không đủ để làm nền tảng cho sinh viên xây dựng sự nghiệp lâu dài trong ngành du lịch khách sạn. Do vậy, các hệ và chương trình đào tạo do Khoa cung cấp đều có sự kết hợp giữa trau dồi kiến thức với rèn luyện kỹ năng thông qua các hoạt động thực tập thực tế và điền dã.
Mỗi khóa học, gần 200 sinh viên sẽ được tham gia thực tập nghiệp vụ tại phòng thực hành của Khoa, tại các chuỗi khách sạn và công ty du lịch ở trong nước, hoặc có thể tham gia thực tập hưởng lương tại các khách sạn cao cấp ở Singapore. Sinh viên còn có thể tham gia thực tập thực tế tại các tuyến, điểm du lịch. Quá trình tham gia thực tập thực hành của sinh viên sẽ được thầy cô trong Khoa đánh giá xếp loại và cho điểm như một môn học trong chương trình.
Nghiên cứu khoa học và hội thảo
Đội ngũ cán bộ giảng viên Khoa Du lịch học luôn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học du lịch.Nhiều bài báo, nghiên cứu của cán bộ được đăng tải rộng rãi trên các tạp chí về du lịch ở trong nước và quốc tế, và nhận được nhiều lời khen tặng cho chất lượng bài viết. Bên cạnh đó, cán bộ trong Khoa tham gia viết bài và tham luận trong các hội thảo quốc tế về du lịch.
Cán bộ trong Khoa đã chủ trì thực hiện 2 dự án nước ngoài về bảo vệ môi trường du lịch, chủ trì 3 đề tài với các tỉnh, thành phố, 2 đề tài đặc biệt cấp ĐHQG, nhiều đề tài cấp ĐHQG (cấp Bộ). Nhiều đề tài với Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch cũng có cán bộ của Khoa tham gia và được đánh giá cao.
Lĩnh vực mà Khoa tập trung nghiên cứu:
· Đánh giá tác động của ngành du lịch đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam
· Đánh giá hiện trạng và tác động của du lịch sinh thái đối với các điểm đến
· Quản lý nhân lực và quản trị nhân lực du lịch
· Khảo sát, đánh giá công tác tổ chức, quản lý các lễ hội và các sự kiện đặc biệt trong du lịch
· Nghiên cứu loại hình du lịch: Du lịch lễ hội, du lịch sự kiện, du lịch MICE, creative tourism
· Nghiên cứu hành vi tiêu dùng của các nhóm khách du lịch điển hình
· Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và điểm đến du lịch
· Nghiên cứu hoạt động du lịch ẩm thực ở Việt Nam
· Nghiên cứu văn hóa du lịch, phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống trong du lịch
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, Khoa Du lịch học tổ chức các buổi hội thảo quốc tế và trong nước với chủ đề liên quan trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, và sự kiện. Mỗi buổi hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi giữa chuyên gia từ các viện và cơ sở nghiên cứu, các nhà quản lý du lịch, và doanh nhân trong ngành du lịch khách sạn. Một số hội thảo khoa học đã được Khoa tổ chức:
· Du lịch công vụ và phát triển du lịch Việt Nam
· Nghiên cứu và đào tạo du lịch ở Việt Nam
· Du lịch, ẩm thực và các vấn đề về quản lý, kinh doanh
· Quản trị sự kiện – Đào tạo và thực tiễn nghề nghiệp ở Việt Nam
Đội ngũ giảng viên trong Khoa
Để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của xã hội, đội ngũ cán bộ giảng viên trong Khoa luôn nỗ lực để mở rộng kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đội ngũ 20 cán bộ giảng viên cơ hữu giàu kinh nghiệm, Khoa Du lịch học còn mời thêm cán bộ đến giảng dạy cho sinh viên. Họ là chuyên gia, phó giáo sư, tiến sỹ của các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch như:
· Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam
· Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
· Tổng cục Du lịch Việt Nam
· Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
· Các trường đại học, học viện của Việt Nam
Các chương trình học bổng
Sinh viên đạt thành tích cao trong học tập tại Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ được trao tặng học bổng theo ngân sách của Trường, và một số học bổng quốc tế khác, gồm có:
· Học bổng Mitsubishi
· Học bổng AEON
· Học bổng Chung-soo
· Học bổng PonyChung
· Học bổng Shinnyo
Ngoài ra, những sinh viên thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình chính sách cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Nhà trường, Khoa và một số đơn vị liên kết (Học bổng Vietravel).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn