Khoa Du lịch họchttps://fts.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fts/logo-fts.png
Thứ sáu - 04/07/2025 10:12
Trong khuôn khổ chương trình Livestream Tư vấn Tuyển sinh Đại học chính quy 2025 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN tổ chức vào tối ngày 03/7/2025, Khoa Du lịch học đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn học sinh và phụ huynh. Buổi phát sóng trực tiếp với sự tham gia của TS. Nguyễn Ngọc Dung - Trưởng Khoa Du lịch học đã mang đến không chỉ những thông tin tổng quan về chương trình đào tạo mà còn là những chia sẻ thực tiễn về cơ hội nghề nghiệp, định hướng phát triển và môi trường học tập lý tưởng dành cho sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực du lịch.
Buổi tư vấn không chỉ giải đáp thắc mắc mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về tiềm năng của ngành Du lịch trong thời đại hội nhập, đồng thời tiếp thêm sự tự tin để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
1. Điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và Quản trị Khách sạn là gì? “Về điểm tương đồng giữa hai chương trình đào tạo, thứ nhất là hai chương trình đào tạo đều nằm trong mã ngành đào tạo về du lịch, trong đó Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có mã đào tạo là 03 và Quản trị Khách sạn có mã ngành là 01. Về chương trình đào tạo, Khoa Du lịch học cũng luôn chú trọng đào tạo một cách toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho sinh viên. Cả hai ngành Lữ hành và Khách sạn đều có điểm chung là các sinh viên phải tích lũy 126 tín chỉ với 38 học phần và trong đó, sinh viên sẽ có chung các khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở và khối kiến thức về nhóm ngành. Chúng tôi rất quan tâm đến các môn học mang tính hiện đại, xu thế như là các môn học về tư duy sáng tạo và thiết kế, ứng dụng AI, đổi mới sáng tạo, cũng như là các môn học liên quan đến liêm chính, đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, sinh viên theo cả hai nhóm ngành đều được đào tạo các kỹ năng mềm và các năng lực nghề nghiệp cần thiết cho ngành du lịch. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai ngành này chắc chắn là có, trước hết nó thể hiện ở tên của hai ngành: ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và ngành Quản trị Khách sạn. Trong đó, các em sinh viên sẽ được học các môn với các kiến thức chuyên ngành khác nhau, đặc biệt trong ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, đến năm ba các em sẽ được lựa chọn một trong hai chuyên ngành Quản trị Lữ hành và Quản trị Sự kiện, như vậy đây là một hướng đi tốt, một sự lựa chọn tốt cho các bạn sinh viên yêu du lịch và sự kiện. Trong ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, các bạn sẽ được cung cấp những kiến thức và kỹ năng để có thể tổ chức và vận hành trong các doanh nghiệp về du lịch, các doanh nghiệp, các công ty sự kiện. Trong ngành Quản trị Khách sạn, các bạn được cung cấp kiến thức và kỹ năng để có thể quản trị và vận hành làm việc trong khách sạn và các cơ sở lưu trú khác.”
2. Đối với môi trường học tập quốc tế hóa như hiện nay, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và ngành Quản trị Khách sạn học bao nhiêu học phần và dạy bằng Tiếng Anh, sinh viên Du lịch học sẽ thành thạo những ngoại ngữ nào để có thể đáp ứng được môi trường học tập quốc tế hóa? “Học tập tại Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội học tập trong môi trường quốc tế. Thứ nhất, trong chương trình đào tạo, chúng tôi rất chú trọng đến việc đào tạo ngoại ngữ, du lịch với ngoại ngữ phải gắn liền không thể tách rời được. Ngoại ngữ các bạn được học sẽ là ngoại ngữ chuyên ngành, trong đó các bạn có 3 học phần ngoại ngữ chuyên ngành đó là Tiếng Anh dành cho Lữ hành, Tiếng Anh dành cho Khách sạn và Tiếng Anh dành cho Sự kiện. Tất cả các bạn sinh viên trong Khoa Du lịch học đều sử dụng tốt ngoại ngữ và có nhiều bạn sử dụng tốt được ngoại ngữ thứ hai và thứ ba. Sau Tiếng Anh, các bạn thường ưu tiên học Tiếng Trung, Tiếng Hàn và Tiếng Nhật, ngoài ra cũng có một số ngôn ngữ khác. Điểm thứ hai, sinh viên được học trong môi trường đại học quốc tế, bên cạnh những giờ giảng về lý thuyết mang tính học thuật thì các bạn được trải nghiệm, được học tập tại các doanh nghiệp và hầu như là các doanh nghiệp quốc tế. Cụ thể, các bạn được học tập trong các khách sạn 4, 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, trong các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Đây là cơ hội tốt cho các bạn sớm cọ xát với ngành, cũng như là không chỉ được đào tạo du lịch theo tiêu chuẩn Việt Nam và các bạn có thể thích ứng theo tiêu chuẩn quốc tế khi mà các bạn hội nhập theo thị trường lao động quốc tế lúc ra trường. Thứ ba, các hoạt động của Liên chi Đoàn - Liên chi Hội Khoa Du lịch học phát triển rất sôi nổi và các câu lạc bộ được hình thành và duy trì thường xuyên. Hiện nay có một số câu lạc bộ hỗ trợ rất là tốt các bạn các năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh như câu lạc bộ Tiếng Anh Du lịch - E4T, câu lạc bộ Du lịch trẻ hay là câu lạc bộ về Lễ tân - Sự kiện, có rất nhiều cơ hội dành cho tất cả các bạn sinh viên từ năm thứ nhất đều có thể tham gia. Như vậy, các bạn không chỉ có thể hòa nhập với môi trường quốc tế, sử dụng tốt Tiếng Anh mà còn có thể có được những kỹ năng mềm để thích ứng. Điểm khác, Khoa cũng có mối liên hệ hợp tác với nhiều trường đại học quốc tế, đây chính là cơ hội thuận lợi chúng tôi có thể trao đổi sinh viên, các bạn sinh viên có thể sang học tập ra nước ngoài. Chẳng hạn năm nào chúng tôi cũng có những chuyến trao đổi sinh viên với Đại học Rikkyo, Nhật Bản. Các bạn sinh viên ưu tú của Khoa sẽ được sang học tập về Tiếng Nhật, về văn hóa của Nhật Bản cũng như là về du lịch.”
3. Cơ hội học bổng và du học như thế nào khi đăng ký xét tuyển vào Khoa Du lịch học? “Cũng như là các bạn sinh viên trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các bạn sinh viên Khoa Du lịch học cũng có cơ hội để có học bổng nếu như các bạn có những thành tích và có sự nỗ lực trong học tập. Học bổng các bạn sẽ có 2 nguồn: học bổng ngân sách và học bổng ngoài ngân sách. Học bổng ngân sách sẽ được phân bổ cho các bạn theo định kỳ và theo quy định của Nhà trường. Ngoài ra, các bạn sẽ có học bổng ngoài ngân sách đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp, đến từ hội cựu sinh viên của các Khoa, của Nhà trường. Các nguồn học bổng này có rất nhiều học bổng hàng năm, mỗi một năm sẽ được phân bổ hai lần, các bạn có thể có cơ hội có học bổng từ học bổng AEON, học bổng Annex hay học bổng SHB, học bổng Danko, học bổng VinGroup,... Có rất nhiều học bổng dành cho các bạn nên các bạn sinh viên cứ yên tâm học tập, nỗ lực. Nguồn học bổng sẽ rất dồi dào cho các bạn, học bổng sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính đánh giá cho các bạn đồng thời đó cũng là sự ghi nhận những nỗ lực của các bạn trong học tập. Về du học, các bạn học ở Khoa Du lịch học thì đương nhiên cơ hội du học của các bạn sẽ rất rộng mở. Và Khoa có mối quan hệ với nhiều trường đại học quốc tế như trường đại học của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản,... các bạn sẽ có cơ hội nếu như các bạn học tập tốt, có cơ hội tham gia trao đổi các khóa học dài hạn, ngắn hạn tại các trường đại học chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác. Các bạn sinh viên bây giờ rất năng động, các bạn cũng sẽ có những nguồn học bổng tự apply, Nhà trường, thầy cô cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn, cũng như là có thể có sự hỗ trợ các bạn để có thể apply thành công học bổng theo mong muốn của các bạn.”
4. Các bạn tham gia đăng ký xét tuyển vào Khoa Du lịch học sẽ có được những hoạt động thực tế như thế nào khi được tổ chức ở địa phương, ở trong nước và ở quốc tế? “Như tất cả chúng ta đều biết, du lịch và một ngành liên ngành và có tính ứng dụng cao. Chính vì vậy mà khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi rất quan tâm đến việc thiết kế, tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập, thực tế cho sinh viên. Trên thực tế, chúng tôi cũng có những mạng lưới kết nối tốt với các cơ sở, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, với các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch và khách sạn. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể kết nối, tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập, thực tế cho các bạn sinh viên. Cùng với việc cung cấp nền tảng kiến thức cho các bạn, các bạn có thể tham gia các giờ học thực hành. Khoa cũng có các phòng thực hành để đảm bảo các điều kiện về thực hành nghiệp vụ Lữ hành, Sự kiện và Khách sạn. Đồng thời các bạn sẽ được đưa đến các cơ sở thực tập. Nếu các bạn học tập trong Khoa Du lịch học, các bạn không phải chờ đợi đến năm thứ ba hay năm thứ tư các bạn mới đi thực tập, mà thực tế các chuyến thực tập của sinh viên Khoa Du lịch đã được tổ chức từ năm thứ nhất, năm nào cũng đi. Các bạn đã thi vào du lịch, yêu du lịch, các bạn học du lịch thì các bạn thường sẽ là những người ưa dịch chuyển, thích khám phá và thích trải nghiệm. Vì vậy, thông thường các bạn rất mong chờ, háo hức những chuyến đi. Ngay từ năm thứ nhất, chúng tôi đã tổ chức cho các bạn những chuyến kiến tập, thực tập hoặc thực tập tại cơ sở. Đó cũng là thế mạnh trong đào tạo du lịch của Khoa. Các chuyến đi của Khoa mang tính đặc thù của ngành, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành thì các bạn sẽ có được những cơ hội trải nghiệm và hiểu biết nhiều hơn về các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,... nhiều loại hình du lịch khác. Các bạn ngành Quản trị Khách sạn sẽ được đến trải nghiệm và học tập tại các cơ sở lưu trú, các mô hình city hotel, golf&resort, spa&resort. Đấy là đặc thù của từng ngành chúng tôi đưa vào nội dung thực tập, thực tế cho các bạn sinh viên.”
5. Cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường của Khoa Du lịch học sẽ như thế nào? “Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm về phát triển du lịch. Theo số liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường được đào tạo về ngành du lịch chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, trong đó đã tính bộ phận các bạn tốt nghiệp trung cấp. Có thể nói rằng, du lịch đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và có cơ hội việc làm tốt. Chính vì vậy, trên thực tế, trong đào tạo, chúng tôi thấy rằng hơn 90% các bạn sinh viên Khoa Du lịch học có việc làm ngay, đúng ngành nghề sau khi các bạn ra trường. Thậm chí có rất nhiều bạn trong thời gian học tập tại trường, các bạn đi làm thêm và tôi muốn nhấn mạnh là làm đúng ngành nghề, là đúng ngành du lịch. Khoa cũng có mối quan hệ, kết nối với nhiều doanh nghiệp để có thể hỗ trợ sinh viên trong tuyển dụng, trong tìm kiếm việc làm. Trên thực tế, chúng tôi và các doanh nghiệp, các tập đoàn thường đến Khoa, đến Trường để tổ chức phỏng vấn, các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp ngay tại Trường. Hằng năm, Trường cũng có tổ chức Ngày hội việc làm, đó cũng là sự kết nối rất tốt, một mạng lưới các nhà tuyển dụng để tạo điều kiện cho sinh viên của Khoa Du lịch học nói chung và các khoa khác trong toàn trường nói riêng trong tìm kiếm việc làm. Trong chương trình đào tạo, về mặt lý thuyết, chúng tôi luôn luôn cố gắng cập nhật xu hướng đào tạo quốc tế, trong các chuyến thực tập, thực tế, chúng tôi không chỉ đưa các em sinh viên đến các địa phương, tỉnh thành trong cả nước mà còn có các chuyến thực tập, thực tế ra nước ngoài như là Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia,... Thường xuyên có những chuyến như thế thì để cho các em tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế và tạo điều kiện cho các em để thâm nhập vào thị trường lao động quốc tế sau khi ra trường.”
6. Mạng lưới của các bạn sinh viên sau khi ra trường của ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành và ngành Quản trị Khách sạn sẽ như thế nào? “Khoa Du lịch học chúng tôi rất may mắn vì có mạng lưới không chỉ là cựu sinh viên, mà ở đây chúng tôi xin phép gọi là mạng lưới cựu sinh viên và học viên của Khoa Du lịch học. Bởi vì trong mạng lưới của chúng tôi không chỉ có các bạn cựu sinh viên mà còn có các anh chị học viên, cựu học viên và nghiên cứu sinh của Khoa. Mạng lưới cựu sinh viên chúng tôi có hội cựu sinh viên, học viên, có sự gắn bó kết nối với nhau và các hoạt động thường xuyên, duy trì liên tục. Hiện nay, các anh chị là cựu sinh viên, học viên của Khoa có nhiều anh chị đã thành đạt trong công việc, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, trong các tập đoàn, doanh nghiệp về du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, hàng không, sự kiện. Đó cũng là điểm tựa của Khoa trong công tác đào tạo, các anh chị em phối hợp với chúng tôi trong công tác đào tạo để làm sao mà chương trình đào tạo nó phù hợp nhất, nó thích ứng nhất với xu thế cũng như là nhu cầu của thị trường về du lịch. Đồng thời, các anh chị em cũng tạo điều kiện để cho các em sinh viên, học viên ở trong Khoa có những buổi đến trao đổi kinh nghiệm với tư cách là chuyên gia, hoặc đến làm việc tại các doanh nghiệp. Đấy cũng là nguồn động lực, động viên rất lớn đối với các thầy cô ở trong Khoa. Một điểm nữa là các anh chị em thường xuyên có sự hỗ trợ về mặt tài chính cho các em sinh viên, đặc biệt là các em sinh viên đang theo học ở Khoa, có nhiều bạn cũng có những khó khăn nhất định trong việc nộp học phí hay các khoản chi phí khác. Các anh chị, doanh nghiệp cũng có sự hỗ trợ, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội đối với sự nghiệp đào tạo du lịch nhưng đồng thời cũng là một sự tri ân rất đáng quý đối với Khoa và Nhà trường.”
Kết thúc buổi livestream, TS. Nguyễn Ngọc Dung đã gửi gắm một lời nhắn chân thành, truyền động lực mạnh mẽ đến các bạn học sinh: “Các bạn hãy tự tin để lựa chọn ngành mà các bạn ưa thích và các bạn đừng ngần ngại, đừng nghĩ đến những thử thách vì những thử thách đó sẽ làm cho chúng ta trưởng thành. Tôi tin rằng với những niềm đam mê với du lịch hay những ngành khác trong Nhà trường, nếu có đam mê, có tình yêu, các bạn sẽ luôn nỗ lực học hỏi và phát triển bản thân… Và chào đón các bạn đến với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn!”