Khoa Du lịch họchttps://fts.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fts/logo-fts.png
Thứ năm - 03/04/2025 10:01
Vào ngày 30/03 - 01/04/2025, tập thể lớp Thạc sĩ khóa K22 (QH-2024-X) ngành Du lịch đã có chuyến đi thực tế tại Cố đô Huế. Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ môn học “Quản lý điểm đến du lịch” và “Quản lý lữ hành”, giúp học viên không chỉ tìm hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô mà còn có cơ hội trải nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch. Chuyến đi cũng tạo điều kiện để học viên quan sát, phân tích mô hình quản lý, khai thác du lịch tại địa phương, từ đó áp dụng hiệu quả vào công việc sau này.
Chuyến hành trình được tổ chức dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trưởng môn Quản lý điểm đến Du lịch, Trưởng đoàn; TS. Trịnh Lê Anh - Phó bí thư Chi bộ, Giảng viên môn học Quản lý điểm đến du lịch; TS. Vũ Hương Lan - Phó trưởng Khoa Du lịch học, Trưởng môn Quản lý lữ hành cùng sự tham gia của TS. Nguyễn Ngọc Dung - Bí thư Chi bộ, Phó trưởng Khoa Du lịch học, TS. Nguyễn Quang Anh - Trợ lý Đào tạo Tiến sĩ và ThS. Ngô Hải Anh - Trợ lý Đào tạo Thạc sĩ.
Hành trình bắt đầu: Chào Huế với mùi vị ẩm thực
Sau chuyến bay từ Hà Nội, Huế chào đón chúng tôi bằng mùi thơm nghi ngút của bát bún bò Huế đậm đà hương vị miền Trung. Hương vị đậm đà đó không chỉ là một món ăn, mà còn là dấu ấn văn hóa, một lời chào rất hấp dẫn từ mảnh đất Cố đô.
Hành trình bắt đầu: Chào Huế với mùi vị ẩm thực: Bún Bò Huế
Đặt chân đến Hoàng thành Huế – nơi lưu giữ dấu tích lịch sử của triều Nguyễn, để cùng tìm hiểu công tác bảo tồn và chiến lược phát triển du lịch bền vững
Tiếp đó, đoàn di chuyển đến Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận. Dưới sự hướng dẫn của cô Hoài Sơn, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Huế - nguyên là học viên thạc sĩ du lịch của khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQGHN, các học viên có cơ hội tìm hiểu về phương thức quản lý di sản, công tác bảo tồn văn hóa, cũng như các chiến lược khai thác di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Thêm nữa, cô Hoài Sơn cũng không quên hướng dẫn chi tiết các cách thức để có thể trở thành một hướng dẫn viên tốt nhất khi hướng dẫn tại khu Hoàng thành Huế. Qua chuyến tham quan, học viên không chỉ cảm nhận vẻ đẹp cổ kính của Hoàng thành mà còn hiểu rõ hơn về các thách thức và giải pháp bảo tồn trong bối cảnh hiện đại.
Hoàng thành Huế – nơi lưu giữ dấu tích lịch sử của triều Nguyễn, tìm hiểu công tác bảo tồn và chiến lược phát triển du lịch bền vững
Chinh phục đầm phá Tam Giang – hệ sinh thái nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, trải nghiệm cuộc sống ngư dân và bài học về bảo vệ môi trường
Buổi chiều, đoàn tiếp tục hành trình đến đầm phá Tam Giang – vùng nước lợ mênh mang, nơi thiên nhiên giao hòa giữa sông và biển. Dưới cơn mưa lạnh, cả lớp vẫn háo hức tham gia khảo sát về du lịch bền vững, lắng nghe những câu chuyện về đời sống mưu sinh của ngư dân và sự chuyển mình của vùng đầm phá trước dòng chảy của thời gian.
Học viên được trải nghiệm những điều giản dị nhưng quý giá: cùng ngư dân chèo thuyền len lỏi qua những tán cây xanh rì của rừng ngập mặn. Cái lạnh của trời chiều không ngăn được sự ấm áp từ những món ăn dân dã mà người dân nơi đây dành tặng: tôm nướng thơm lừng, ngao vàng béo ngậy, bánh bột lọc dẻo dai, thêm chút hoa quả tươi ngon như thấm đượm tình người xứ Huế - tất cả đều là sản vật được đánh bắt tại vùng đàm phá này.
Hành trình không chỉ mở ra những góc nhìn mới về sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, mà còn để lại trong lòng mỗi người những dư âm khó quên về đất và người nơi đây. Đêm buông xuống, cả lớp quây quần bên nhau trong bữa tối ấm cúng với những món hải sản tươi ngon tại nhà hàng Cồn Tộc, trước khi thong thả dạo bước, cảm nhận nhịp sống chậm rãi mà quyến rũ của Huế về đêm.
Chinh phục đầm phá Tam Giang – hệ sinh thái nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, trải nghiệm cuộc sống ngư dân và bài học về bảo vệ môi trường
Thăm Lăng Tự Đức – lăng tẩm tuyệt mỹ với những ứng dụng công nghệ số hóa trong bảo tồn di sản
Ngày thứ hai, lớp cao học ghé thăm Lăng Tự Đức – một tuyệt tác kiến trúc triều Nguyễn, ẩn mình giữa không gian thanh bình của đồi Cảnh Vọng. Không chỉ là nơi an nghỉ của vị vua thi sĩ, lăng còn mang trong mình những giá trị lịch sử và nghệ thuật tinh tế. Đặc biệt, đây là một trong những di tích đầu tiên của Việt Nam được số hóa trên Google Arts & Culture, mở ra cánh cửa kết nối di sản với thế giới. Dưới sự chia sẻ của Anh Nguyễn Đôn Long, người con đời thứ 12 xứ Huế giúp học viên càng thấm thía hơn vai trò của công nghệ trong bảo tồn và phát triển du lịch.
Lăng Tự Đức – Khu lăng tẩm với những ứng dụng công nghệ số hóa trong bảo tồn di sản
Làng hương Thủy Xuân – cảm nhận hơi thở làng nghề truyền thống, tự tay làm hương, thấu hiểu giá trị của văn hóa phi vật thể
Tiếp nối hành trình, đoàn ghé thăm làng hương Thủy Xuân – ngôi làng nhỏ nép mình bên sông Hương, nơi gìn giữ nghề làm hương truyền thống suốt hơn 700 năm. Vừa đặt chân đến, cả đoàn đã bị cuốn hút bởi không gian rực rỡ của những bó hương đầy sắc màu, trải dài như một bức tranh sống động giữa lòng xứ Huế.
Tại đây, học viên không chỉ tận mắt chứng kiến quy trình làm hương tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu, giã trộn bột, se hương đến khi thành phẩm, mà còn tự tay thử nghiệm, cảm nhận từng sợi tăm tre thấm đẫm mùi trầm, mùi quế – những hương thơm mang đậm linh hồn đất Việt. Giữa không gian bình dị mà thân thuộc, mỗi người đều thấy rõ hơn giá trị của một làng nghề truyền thống, không chỉ là kế sinh nhai của bao thế hệ, mà còn là di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát huy.
Không chỉ là một điểm dừng chân, Thủy Xuân mở ra những góc nhìn mới về tiềm năng du lịch làng nghề, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, nơi mỗi nén hương không chỉ mang mùi thơm, mà còn chứa đựng câu chuyện về bao đời con người xứ Huế.
Làng hương Thủy Xuân – cảm nhận hơi thở làng nghề truyền thống, tự tay làm hương, thấu hiểu giá trị của văn hóa phi vật thể
Tọa đàm tại Sở Du lịch Huế – nơi những kiến thức học thuật được đối chiếu với thực tiễn, mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ về quản lý điểm đến bền vững
Buổi chiều, lớp cao học tham gia buổi tọa đàm tại Sở Du lịch Thành phố Huế với chủ đề "Chiến lược phát triển du lịch Huế & Quản lý điểm đến bền vững". Đây là dịp để học viên lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ các chuyên gia trong ngành về quy hoạch, quản lý và định hướng phát triển du lịch của vùng đất cố đô.
Đại diện Sở du lịch TP. Huế có ông Hoàng Phước Nhật – Phó Giám đốc sở Du lịch Huế và bà Dương Thị Công Lý - Ủy viên Hiệp hội Du lịch Huế, Phó chi hội Lữ hành đã mang đến nhiều thông tin quan trọng, giúp học viên hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội của du lịch Huế trong tương lai. Ngoài ra, bà Dương Thị Công Lý cũng cung cấp nhiều thông tin đến công tác quản lý lữ hành tại Huế cũng như sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch trong việc giúp đỡ các công ty lữ hành. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, buổi tọa đàm còn tạo cơ hội để học viên trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, đặt ra những câu hỏi thực tiễn và nhận được góc nhìn đa chiều từ những người đang trực tiếp tham gia vào công tác hoạch định và quản lý du lịch địa phương.
Tọa đàm không chỉ cung cấp kiến thức mà còn khơi gợi nhiều suy nghĩ về trách nhiệm trong việc phát triển du lịch bền vững, góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Huế trong thời đại mới.
Đoàn làm việc với ông Hoàng Phước Nhật – Phó Giám đốc sở Du lịch Huế và bà Dương Thị Công Lý - Ủy viên Hiệp hội Du lịch Huế, Phó chi hội Lữ hành
Tọa đàm tại Sở Du lịch Huế – nơi những kiến thức học thuật được đối chiếu với thực tiễn, mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ về quản lý điểm đến bền vững
Tận hưởng không gian văn hóa cung đình, thưởng thức ẩm thực hoàng gia và đắm chìm trong giai điệu Ca Huế di sản
Buổi tối, đoàn được trải nghiệm một không gian ẩm thực cung đình tại nhà hàng Không Gian Xưa, nơi hương vị lịch sử và nghệ thuật hòa quyện. Trong không khí trang nghiêm, học viên không chỉ được thưởng thức những món ăn tinh tế, cầu kỳ mang đậm dấu ấn hoàng gia, mà còn khoác lên mình những bộ trang phục cung đình, cảm nhận rõ nét không khí của một triều đại xưa.
Cùng với đó, giai điệu Ca Huế nhẹ nhàng, sâu lắng vang lên, đưa mọi người vào thế giới âm nhạc cổ truyền – một di sản phi vật thể quý báu của nhân loại. Những làn điệu tha thiết, ngọt ngào đã khéo léo kết nối mọi người, làm cho buổi tối thêm phần đặc biệt và ý nghĩa. Trải nghiệm này không chỉ mang lại những khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật và ẩm thực, mà còn đầy ắp tiếng cười, gắn kết mọi người lại với nhau, tạo nên một kỷ niệm khó quên trong hành trình khám phá Huế.
Ngày cuối cùng, đoàn đến thăm làng cổ Phước Tích – một trong những ngôi làng cổ lâu đời nhất Việt Nam với lịch sử hơn 500 năm. Tại đây, học viên làm việc với Ban quản lý làng cổ để tìm hiểu về chính sách bảo tồn kiến trúc nhà rường và phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, học viên còn trực tiếp tham quan, trải nghiệm làm gốm thủ công, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò của làng nghề trong bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Làng cổ Phước Tích - Vẻ đẹp cổ kính hàng trăm tuổi
Sau bữa trưa tại nhà vườn với những món do chính người dân chế biến, đoàn di chuyển về trung tâm thành phố, tiếp tục hành trình tại Chợ Đông Ba – khu chợ sầm uất nhất cố đô. Đây không chỉ là địa điểm mua sắm nổi tiếng, mà còn là nơi phản ánh chân thực nhịp sống, văn hóa và tiềm năng du lịch mua sắm của Huế.
Kết thúc chuyến thực tế, đoàn lên chuyến bay trở về Hà Nội, mang theo những bài học quý giá về công tác quản lý và phát triển du lịch bền vững. Chuyến đi không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn là cơ hội để học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, chuẩn bị hành trang vững chắc cho sự nghiệp trong tương lai. Qua chuyến đi, các học viên cũng đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích do chính các giảng viên Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ từ những thực tế nghiên cứu trong thời gian qua.
Có những chuyến đi khiến ta thích thú, có những chuyến đi khiến ta say mê, nhưng cũng có những hành trình khiến ta thay đổi góc nhìn, giúp ta hiểu sâu hơn về giá trị của lịch sử, văn hóa và sự phát triển bền vững của Du lịch. Và “DẤU ẤN CỐ ĐÔ” – chuyến thực tế của lớp Thạc sĩ Du lịch K22 (QH-2024-X), chính là một hành trình như thế. “Đi để học – Đi để trải nghiệm – Đi để thấu hiểu!”.