Hội thảo đã thu hút được 160 bài viết từ các nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài nước. GS. Tsutomu INAGAKI – Nguyên Hiệu trưởng Trường Du lịch, Đại học Rikkyo Nhật Bản, giảng viên thỉnh giảng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tham gia là diễn giả chính tại hội thảo cùng với 3 diễn giả là Giáo sư Farhad Taghizadeh - Hesary đến từ Trường Đại học Tokai, Nhật Bản; Bà Sharon Machado, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc ACCA; TS. Ngô Thái Hưng, Trường Đại học Tài chính – Marketing. GS INAGAKI đã cung cấp cho hội thảo một góc nhìn toàn diện về phát triển bền vững các loại hình lưu trú của Nhật Bản từ thế kỷ 19 cho đến nay. GS INAGAKI cho rằng, để các loại hình lưu trú của Nhật Bản được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, thì ngành Du lịch Nhật Bản đã biết học hỏi và tiếp thu những tinh hoa từ các loại hình cơ sở lưu trú của Phương Tây, đồng thời duy trì và bảo tồn tốt hình thức lưu trú truyền thông của Nhật Bản.
Sau phần phát biểu của các diễn giả tại phiên toàn thể, hội thảo có 3 tiểu ban diễn ra đồng thời là: Tiểu ban Tài chính - Kế toán ngân hàng; Tiểu ban Marketing; Tiểu ban Du lịch và Quản trị. PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học tham gia làm đồng chủ tọa và điều hành Tiểu ban về Du lịch và Quản trị cùng PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Vụ Trưởng Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tại tiểu ban Du lịch và Quản trị, các ý kiến tập trung vào hành vi tiêu dùng xanh của du khách, các chỉ số về phát triển bền vững đối với các đô thị và động cơ kéo du khách Hàn Quốc lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam. Các chủ đề này đặc biệt quan trọng cho ngành Du lịch Việt Nam với bối cảnh sau đại dịch COVID-19 khi xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng được chú trọng và lượng khách du lịch Hàn Quốc đến với Việt Nam đứng đầu trong số các tập khách quốc tế.
Hội thảo là cầu nối giữa các đơn vị trong và ngoài nước với xu hướng tài chính xanh, phát triển du lịch bền vững thúc đẩy đầu tư trong các dự án và sáng kiến hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời là một cơ sở để hướng tới nâng cao khả năng chống chịu và tính thức ứng của nền kinh tế trước những biến đổi.