Chức vụ:
- Giáo sư thỉnh giảng Khoa Du lịch học từ năm 2017 đến nay
- Nguyên Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản
Sau khi nghỉ hưu vào tháng 3 năm 2016 tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản, từ tháng 9 năm 2016, GS Inagaki đã đến và công tác tại Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cho đến nay, mặc dù đã công tác tại Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội 3 năm, nhưng không phải sinh viên/học viên cao học và nghiên cứu sinh nào của Khoa cũng biết và hiểu về GS Inagaki.
Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, phóng viên báo Hà Nội Mới đã có bài phỏng vấn GS Inagaki về tình yêu với Hà Nội. Chúng tôi xin post lại bài phỏng vấn và các thông tin về GS để thầy/cô và anh/chị/em sinh viên/học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ quan tâm hiểu thêm về GS Inagaki cũng như tình yêu của GS với Hà Nội và Khoa Du lịch học.
Giáo sư Inagaki Tsutomu:
“Hà Nội là một thành phố thú vị...”
Sống và làm việc tại Hà Nội đến nay đã hơn 3 năm, nhưng Giáo sư Inagaki Tsutomu đã có thời gian gắn bó với Việt Nam từ trước đó. Ông từng là Trưởng khoa Du lịch của Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục con đường giảng dạy tại Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với ông, Hà Nội có sức hấp dẫn kỳ lạ, là thành phố bình yên và thú vị - nơi ông tự coi mình là một cư dân của thành phố và mong muốn tiếp tục cống hiến tri thức cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Khu phố cổ - điểm đến yêu thích
“Tôi dám chắc nhiều người Hà Nội không biết về khu phố cổ bằng tôi đâu” - vị giáo sư người Nhật Bản dí dỏm nói với ánh mắt lấp lánh. Trên tay ông là chiếc tàu thủy bằng sắt nhiều màu sắc - thứ đồ chơi quen thuộc gắn bó với trẻ em Hà Nội suốt mấy chục năm qua, mà ông mua được trong một lần đi dạo ở phố Hàng Thiếc. Ngay khi trông thấy chiếc tàu thủy giữa rất nhiều thứ đồ kim loại lủng củng khác, ông đã không thể “làm ngơ” trước món đồ chơi thô mộc mà tinh tế ấy. Ông cho rằng, món đồ chơi ấy không chỉ phản ánh tay nghề khéo léo và cái tâm của người thợ, mà chính họ cùng với những phố nghề đặc trưng đã làm nên linh hồn của khu phố cổ Hà Nội. “Nhiều thành phố trên thế giới cũng có khu phố cổ, nhưng với tôi, không nơi nào có sức hấp dẫn bằng “Hà Nội 36 phố phường”. Ấn tượng nhất với tôi là các phố nghề. Tôi thích ngắm nhìn những người thợ thủ công làm việc, những người bán hàng chỉ kinh doanh một, hai mặt hàng chuyên dụng gắn với từng con phố. Đó là một nét đặc trưng, khác biệt của phố cổ Hà Nội so với các thành phố khác. Tuần nào tôi cũng dành hàng giờ đi bộ để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây. Có lẽ, tôi đến khu phố cổ Hà Nội còn nhiều hơn một số người Hà Nội đấy (cười). Và chính những phố nghề truyền thống vẫn hiện hữu trong cuộc sống sôi động hằng ngày đã khiến những người ngoại quốc không thể cưỡng lại sức hấp dẫn cùng sự tò mò khi đặt chân đến Hà Nội...” - Inagaki Tsutomu chia sẻ.
Từ khi “phải lòng” Hà Nội sau lần đầu đến thành phố xinh đẹp này cách đây gần 20 năm, Giáo sư Inagaki Tsutomu quyết định gắn bó những năm tháng sau khi nghỉ hưu của mình tại đây. Như chú ong thợ cần mẫn, mỗi tuần ông dành ít nhất 1 - 2 ngày đi khắp khu phố cổ, tìm kiếm những giá trị, những nghề truyền thống ẩn hiện đâu đó để lưu lại những khoảnh khắc, tư liệu hay sản phẩm của con phố đó. Chia sẻ về sự mai một của các phố nghề Hà Nội, Inagaki Tsutomu cho biết, 15 năm trước ông còn dễ dàng bắt gặp những con phố nghề tấp nập, nhưng nay không ít nghề đã biến mất hẳn hoặc chỉ còn một vài hộ giữ nghề. “Nếu không quan tâm tới việc gìn giữ, những phố nghề này sẽ sớm biến mất trong khoảng chục năm tới, giống như sự mai một ở các phố nghề đã bắt đầu xuất hiện từ 15 năm trước” - Inagaki Tsutomu cảnh báo.
Điều Giáo sư Inagaki Tsutomu muốn giữ lại nhất cho phố cổ Hà Nội, đó là những kỹ năng làm đồ thủ công truyền thống và không gian phố cổ. Ông bảo: “Phố cổ Hà Nội bây giờ phát triển mạnh mẽ với những phố chuyên doanh du lịch, như các nhà hàng, khách sạn, quán bar, phố ẩm thực hay những cửa hàng lưu niệm hiện đại, hào nhoáng phục vụ du khách. Nhưng cái mà khách quốc tế thích nhất ở đây là sự giản dị, nét truyền thống và sự tinh xảo trên các sản phẩm thủ công truyền thống, thể hiện cái tâm của người thợ và kỹ năng nghề được trao truyền và lưu giữ qua bao thế hệ. Cùng với đó, vẻ xưa cũ trên từng góc phố, nếp nhà đã làm nên “linh hồn” cho khu phố cổ Hà Nội chứ không phải là những khách sạn, cửa hàng hiện đại. Những cái đó ở các nước phát triển họ không thiếu”.
Đưa ra bài học về những khó khăn trong việc giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển, như trường hợp hai không gian phố cổ Yanesen và Omoide Yokocho mà người Nhật gìn giữ, nâng niu như báu vật, Giáo sư Inagaki Tsutomu cho rằng, nếu Hà Nội vẫn tiếp tục xây mới các công trình trong khu vực phố cổ mà không kịp thời có các biện pháp bảo tồn, sớm muộn gì không gian cổ kính ấy sẽ bị phá nát hoàn toàn. Người Nhật đã phải trả giá đắt để nhận ra rằng, con người hoàn toàn có thể phục dựng lại các công trình nhà cổ, phố cổ theo lối kiến trúc cũ, nhưng một khi phần “hồn” đã mất thì tất cả chỉ còn là cái “xác” trống rỗng. Phần “hồn” của phố cổ Hà Nội phụ thuộc vào những phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân hay các phố nghề truyền thống, nhưng tất cả cũng sẽ mất đi nếu thiếu những chiến lược bảo tồn về lâu dài...
Ẩm thực Hà Nội - hấp dẫn từ quán bình dân
“Ẩm thực Hà Nội không giống với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Người Hà Nội tinh tế trong khẩu vị, cân bằng dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe và cầu kỳ trong cách trình bày. Hơn thế nữa, ẩm thực Hà Nội còn là bề dày văn hóa, mang đậm hồn cốt của người Hà Nội. Đấy là những điểm tương đồng giữa ẩm thực của người Hà Nội và người Nhật Bản. Ẩm thực Hà Nội là một trong những điều thu hút khách du lịch quốc tế nhất, đặc biệt là ẩm thực đường phố với các quán ăn bình dân...” - Giáo sư Inagaki Tsutomu nói. Hầu hết khách du lịch mới đến Hà Nội sẽ muốn thử những quán ăn đã có sẵn thương hiệu như: Phở Thìn, bún chả Hương Liên, Chả cá Lã Vọng, cà phê Giảng..., nhưng là một người sành ăn và am hiểu về Hà Nội, Inagaki Tsutomu biết khá nhiều quán ăn bình dân chế biến ngon hơn và giá cả phải chăng hơn rất nhiều. Ông còn sưu tầm một danh sách những quán ăn cả bình dân lẫn sang trọng để có thể chiều theo sở thích của những người bạn của ông. Cá nhân ông thích những quán ăn bình dân, không quá nổi tiếng nhưng giữ được cách chế biến riêng theo hương vị truyền thống của người Hà Nội và có dịch vụ tốt. Ở những quán ăn như vậy, ông có dịp trò chuyện với đầu bếp, người bán hàng và càng thấy được chiều sâu văn hóa Hà Nội trong từng món ăn. “Những quán ăn bình dân sẽ mang lại cho bạn nhiều hiểu biết hơn về văn hóa, tính cách của con người Hà Nội. Đó là sự tinh tế, cầu kỳ nhưng đầy khiêm nhường, giản dị, không phô trương” - ông Inagaki Tsutomu chia sẻ.
Với Giáo sư Inagaki Tsutomu, hồn cốt ẩm thực Hà Nội được tạo ra từ sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa như Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Á khác, nhưng vượt lên trên tất cả, người Hà Nội đã tìm ra cách chế biến và hương vị khác biệt mang đặc tính văn hóa của Hà Nội, khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ nước nào. Món ăn Hà Nội không nhiều dầu mỡ như Trung Quốc, không cay như Thái Lan, không nhiều gia vị như Ấn Độ hay nhiều chất béo như Pháp và các nước châu Âu... Ngay cả món mì vằn thắn, vốn có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng khi du nhập vào Hà Nội nó chỉ còn là cái tên, còn cách chế biến, hương vị, cách thức trình bày hoàn toàn theo kiểu của người Hà Nội. Điều làm nên sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chính là bát nước mắm bởi: “Thông thường, ở các nước khác, ngay cả Nhật Bản, trong bữa cơm mỗi người sẽ có một bát nước chấm riêng, nhưng người Hà Nội chỉ có một bát nước mắm duy nhất cho cả nhà. Nó là nét văn hóa đặc trưng, thể hiện sự gắn kết, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Chỉ riêng bát nước mắm thôi cũng nói lên sự tinh tế trong khẩu vị của người Hà Nội để phân biệt với các vùng, miền khác ở Việt Nam...”.
Với Giáo sư Inagaki Tsutomu, ẩm thực Hà Nội với những đặc trưng nổi trội, khó lẫn chính là “điểm cộng” khiến du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Đặc biệt hơn cả là trải nghiệm khác biệt khi thưởng thức các món ăn tại các quán bình dân hoặc quán ăn vỉa hè. Đó sẽ là sức hấp dẫn để phát triển các sản phẩm du lịch Thủ đô vốn đã rất phong phú, đa dạng.
Mong được là công dân Hà Nội
Hà Nội cổ kính, nhuốm màu thời gian với những yếu tố truyền thống đậm đặc còn bao phủ lên toàn bộ cảnh vật, con người nơi đây. Sự bình yên, an toàn của một đô thị mang vẻ đẹp truyền thống pha lẫn hiện đại cùng sự thân thiện, mến khách của người dân đã làm nên sức sống nội tại và sự hấp dẫn của thành phố này. Sự bồi tụ, kết tinh từ nền tảng nghìn năm văn hiến khiến Hà Nội càng trở nên duyên dáng và khác biệt đối với du khách.
Inagaki Tsutomu tâm sự rằng rất nhiều người ngoại quốc như ông có một tình yêu đặc biệt và muốn được trở thành công dân Hà Nội. “Những chính sách ngoại giao cởi mở sẽ là điều kiện thúc đẩy kinh tế Thủ đô Hà Nội cũng như Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai. Và tôi luôn mong mình sẽ là một công dân của thành phố bình yên, đáng sống này...” - Giáo sư Inagaki Tsutomu chia sẻ khi ngoài kia, mùa xuân đã chạm cửa...